Mới đây, anh Nguyễn Trung Trực (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm kèm một số ảnh chụp màn hình tin nhắn con chat trên nhóm lớp thể hiện con trai anh (học lớp 9) và cùng bạn trong lớp hay nói tục, chửi thề.
Nói bậy như… hát
Quá bất ngờ, chiều hôm đó, anh đến trường sớm hơn mọi ngày để đón con để rồi càng sốc hơn khi chứng kiến nhiều học sinh mặc đồng phục, trong đó có con trai anh “nói bậy như hát”. “Tối đó, vợ chồng tôi ngồi nói chuyện nghiêm túc với con. Khuyên bảo đủ điều nhưng con không nhận sai, nói nếu không như thế, bạn sẽ không chơi cùng…” – anh Trực kể.
Có con học lớp 7, chị Thiên Nga (38 tuổi; ngụ quận Gò Vấp) cũng từng “sốc” khi tình cờ đọc được tin nhắn của con gái với nhóm bạn. Những từ dùng để nói tục, chửi thề được sử dụng thoải mái có lẽ vì không sợ bị giáo viên hay người lớn bắt gặp và cũng không bị ai nhắc nhở. Đem chuyện này nói với con, chị càng hoang mang hơn khi con nói ở lớp, các bạn của con đều nói như vậy ở trên lớp lẫn “chat” với nhau. “Mọi chuyện tốt hơn khi tôi cho con chuyển lớp. Cô giáo mới của con yêu cầu mỗi học sinh nói bậy sẽ bị phạt trực nhật hai ngày trong tuần, nếu tái phạm sẽ hạ hạnh kiểm. Được một thời gian, tôi thấy con tiến bộ rõ” – chị Nga chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Dung (33 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) thì đau đầu khi cậu con trai 3 tuổi nói chưa sõi, lâu lâu lại dùng những từ “lóng”, câu chửi thề. Tìm hiểu, chị mới “tá hỏa” vì những câu từ này con học được từ nhà nội.
“Mình đi làm, gửi con bên nhà nội. Nhà ông bà có xưởng sản xuất, với nhiều thợ và người giúp việc. Những từ họ văng tục khi nói đùa với nhau đối với con thật sự mới lạ, ấn tượng nên bé đã học theo. Một đôi lần nghe thằng bé văng tục bằng giọng ngọng nghịu, ông bà không la mà còn cười vui khiến con tưởng được cổ vũ lại nói nhiều hơn. Tôi nhắc con không được nói thế vì rất xấu, thằng bé vâng dạ nhưng rồi lại quên” – chị Dung chia sẻ.
Cha mẹ phải là hình mẫu
Chuyên viên tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, nhìn nhận việc trẻ nhỏ nói tục, chửi thề không còn là chuyện hiếm. Không chỉ học sinh phổ thông mà học sinh tiểu học cũng nói tục.
Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng và bất lực khi chứng kiến con sử dụng ngôn từ không phù hợp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ mà còn gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong giao tiếp và học tập.
Bà Mai Thanh Thủy lưu ý trẻ nhỏ học hỏi rất nhanh và thường bị ảnh hưởng từ những người xung quanh. Giống như chiếc máy hút bụi ngôn ngữ, hút càng nhiều từ càng tốt, mà những từ chửi bậy thì lại mang sắc độ nặng nên dễ thu hút.
“Nhiều phụ huynh chưa thật sự làm gương cho con trẻ, vô tư văng tục, chửi thề trước mặt con. Nếu trong gia đình, các thành viên thường xuyên sử dụng ngôn ngữ thô tục, trẻ sẽ bắt chước. Những lời nói không chuẩn mực mà trẻ nghe thấy hằng ngày dần trở thành thói quen và hành vi bắt chước trẻ cho là bình thường” – bà Mai Thanh Thủy phân tích.
Ngoài ra, theo bà Mai Thanh Thủy, ở độ tuổi học sinh, bạn bè có sức ảnh hưởng rất lớn. Khi thấy các bạn xung quanh nói tục, trẻ sẽ học theo để không bị “cô lập”. Trong nhiều trường hợp, nói tục là cách để trẻ thể hiện cá tính hoặc gây ấn tượng với nhóm bạn.
Bên cạnh đó, một số chương trình giải trí, các bài viết, bình luận, video clip phát trực tiếp trên mạng xã hội sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực nhưng được coi là “cool” hay “mạnh mẽ” khiến trẻ học theo mà không ý thức rõ hậu quả.
“Thay vì nổi nóng, quát mắng, cha mẹ cần lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân khiến con có lời nói không chuẩn mực. Đa số trẻ chửi bậy trong lúc tức giận, hoặc đôi khi muốn bày tỏ cảm xúc mà chưa biết dùng từ nào. Những lúc đó có thể dạy con dùng những từ ngữ phù hợp, nhẹ nhàng để con hiểu rằng ngôn từ thiếu văn minh có thể gây tổn thương cho người khác và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá nhân” – chuyên viên Mai Thanh Thủy gợi ý.
Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên cho rằng hiện các trường học đều có quy định học sinh không được nói tục, chửi thề nhưng chưa thực sự đủ uy lực. Các trường cần triển khai những biện pháp nhằm loại bỏ tình trạng nói tục như tổ chức các chuyên đề về văn hóa, quy tắc ứng xử…; đồng thời theo dõi hành vi của học sinh, bao gồm cả ngôn ngữ dùng trên mạng xã hội. Những học sinh vi phạm cần được giáo dục và kỷ luật nghiêm.
“Ngôn ngữ là biểu hiện trực tiếp của tư duy và cảm xúc, việc nói tục dễ tạo cho trẻ một thói quen giao tiếp thô lỗ. Cha mẹ chính là hình mẫu đầu tiên và quan trọng nhất mà trẻ noi theo. Do đó, phụ huynh nên có ngôn ngữ chuẩn mực, tránh nói tục trước mặt con. Ngoài ra, phụ huynh nên chú ý đến môi trường mà con tiếp xúc hằng ngày, bao gồm cả trên mạng xã hội” – ông Trần Trung Kiên khuyến cáo.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong gia đình, cha mẹ có thể đặt ra những quy định về cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp, có thể áp dụng hình phạt nhẹ nếu trẻ vi phạm. Mục đích là giúp trẻ nhận ra lỗi và sửa đổi.
Giáo dục trẻ về sự tôn trọng, lịch sự trong ứng xử khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển lòng tự trọng và nhân cách tốt.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/day-con-noi-loi-hay-y-dep-196241109210234268.htm