Sáng 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua. Các luật này, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt 1 luật sửa 9 luật lĩnh vực tài chính).
Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: P.V. |
Tại buổi họp báo, Luật sửa đổi luật Quản lý thuế, đã giao Chính phủ quy định về số tiền thuế nợ và thời gian nợ thuế của đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thu hút sự quan tâm của báo giới.
Để thực thi quy định của luật, Bộ Tài chính đã đề xuất từ 1/1/2025, cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày số tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Phóng viên đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết lý do đưa ra mức này, nhất là khi nhiều chuyên gia, ý kiến cho rằng mức này chưa có căn cứ, có thể dẫn đến nhiều người bị tạm hoãn xuất cảnh.
Trả lời, ông Hoàng Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính – cho biết, theo luật hiện hành, thời gian quy định là quá hạn nợ thuế 90 ngày đối với cá nhân, hộ kinh doanh có nợ thuế, nhưng phải qua nhiều bước rồi mới tới biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, như: Có văn bản đôn đốc nộp thuế; áp dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản. Theo ông Sơn, trước khi cưỡng chế sẽ có thông báo cho các hộ, cá nhân rồi mới cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh.
Ông Hoàng Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính). Ảnh: PV. |
Căn cứ tình hình thực tế, theo ông Sơn, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội thông qua ở luật sửa đổi là giao nội dung này cho Chính phủ hướng dẫn. Hiện nay, dự thảo nghị định được Bộ Tài chính xây dựng, chuẩn bị trình lên Chính phủ đề xuất ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, hộ kinh doanh có nợ thuế ở mức trên 50 triệu và nâng thời gian nợ từ 90 lên 120 ngày cho phù hợp.
Về đánh giá tác động, ông Sơn thông tin, hiện nay, số hộ kinh doanh, cá nhân nợ thuế trên 50 triệu đồng là khoảng 81.000 trường hợp. “Chúng tôi thấy với mức đang dự kiến trình Chính phủ, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế được khảo sát thì mức 50 triệu đồng là phù hợp”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, trong thời gian 120 ngày đó vẫn tiến hành các bước như quy định, như có văn bản đôn đốc, áp dụng biện pháp trừ tiền… Đây là một trong những biện pháp rất hữu hiệu trong quản lý thuế để đảm bảo người dân dân và hộ cá nhân thực hiện đúng quyền của mình liên quan đến thuế và đảm bảo nộp thuế cho Nhà nước.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/de-xuat-no-thue-50-trieu-dong-bi-tam-hoan-xuat-canh-post1702561.tpo