Nợ thuế chục tỷ đồng… rồi bỏ về nước
Thông tin từ Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đang bỏ trốn, để lại những khoản nợ thuế khá lớn. Điển hình, Công ty TNHH Shin Kwang Việt Nam do ông Park Jongmin làm đại diện theo pháp luật, hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, gia công phủ màng PU da giày.
Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động; chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc đã khăn gói về nước để lại khoản nợ thuế khoảng 12 tỷ đồng, thuộc diện khó thu hồi. Được biết, công ty này còn nợ lương của 50 công nhân với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội khoảng 2,8 tỷ đồng khiến người lao động rơi vào cảnh chật vật trong dịp cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp FDI khác trên địa bàn Đồng Nai như: Công ty TNHH King May Craft Việt Nam (do ông Hung Wen Chuan làm đại diện pháp luật) nợ thuế 5,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Rio Vina (nợ thuế 3,4 tỷ đồng); Công ty TNHH Nhựa Rich Way nợ 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Kova Viana nợ 1,2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Wagon Việt Nam nợ 1,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Boseung Vina nợ 4,7 tỷ đồng…
Công ty TNHH Shin Kwang Viet Nam nợ thuế gần 12 tỷ đồng nhưng hiện không còn hoạt động. |
Các doanh nghiệp này hầu hết không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, và thế chấp tài sản tại ngân hàng. Do đó, khi doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động, phía ngân hàng lập tức thu hồi tài sản.
Để thu hồi nợ thuế, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, các Chi cục Hải quan trên địa bàn đang theo dõi trả lời của cơ quan công an và văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện 2 bước cưỡng chế còn lại là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để trích thu hồi thuế.
Tính đến tháng 11, số nợ thuế quá hạn và quá hạn cưỡng chế của các doanh nghiệp do Cục Hải quan Đồng Nai quản lý lên tới khoảng 100 tỷ đồng.
Tại Bình Dương, hiện có nhiều doanh nghiệp FDI nợ thuế như Công ty TNHH B&M Vina nợ gần 3 tỷ đồng, Công ty TNHH Beautec Vina nợ 5,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Yong Cheon Việt Nam nợ thuế 4,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Ever Huge nợ thuế gần 7 tỷ đồng…Thống kê của Cục Hải quan Bình Dương, tính đến đầu tháng 12, số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 244 tỷ đồng.
Khó khăn trong thu hồi
Mới đây, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư – Cục Hải quan TPHCM ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 69 – Any (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) do công ty này nợ 734 triệu đồng thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
Cơ quan hải quan áp dụng hình thức tương tự với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Luật TNHH Gruenkorn & Partner (172 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) do công ty nợ thuế trên 892 triệu đồng.
Việc doanh nghiệp FDI nợ thuế rồi bỏ về nước khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong thu hồi. Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, sau nhiều lần thông báo áp dụng dừng làm thủ tục hải quan, Hải quan TPHCM tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Công ty TNHH Mannequins Đông Á (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) do ông Wu Chin Chi làm đại diện pháp luật.
Hiện tại, doanh nghiệp nợ thuế trên 19 tỷ đồng, song đã ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp không còn liên lạc được, khiến cơ quan hải quan “đau đầu” xử lý.
Một đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, quá trình xử lý doanh nghiệp FDI nợ thuế luôn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như chủ doanh nghiệp tự ý bỏ về nước trước khi đến hạn phải thanh toán nợ cho cơ quan hải quan hoặc doanh nghiệp đi thuê cơ sở tại Việt Nam nên khi xuống địa phương xác minh, trụ sở của doanh nghiệp đã bị chủ sở hữu thu hồi, khó xác định được tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý thường không rõ ràng, không đầy đủ, nên việc truy tìm rất khó.
Trong tháng 11, trên địa bàn thành phố có khoảng 780 doanh nghiệp nợ thuế. Cục Hải quan TPHCM đang rốt ráo thực hiện các giải pháp để thu hồi nợ thuế, đặc biệt là đối với những khoản kéo dài.
Để thu hồi nợ thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tập trung: rà soát hồ sơ quản lý nợ, nhằm đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ thuế đạt chỉ tiêu được giao; rà soát hồ sơ quản lý nợ để cưỡng chế thu hồi nợ.
Trường hợp biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế không hiệu quả, cơ quan Hải quan chuyển sang biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/doanh-nghiep-fdi-xu-tien-ty-no-thue-roi-bo-ve-nuoc-post1700492.tpo