Mường Lát nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trên 250 km về phía Tây và giáp với nước bạn Lào. Do địa hình toàn đồi núi cao, đất đai kém màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt, nên suốt từ khi thành lập huyện, Mường Lát vẫn cứ quẩn quanh trong cái nghèo, dù các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh đã có nhiều chính sách giúp Mường Lát “thoát nghèo”.
“Nghị quyết” riêng cho vùng đất khó
Với vai trò, vị trí rất đặc biệt, việc phát triển Mường Lát, thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị cũng như về các mặt quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thanh Hóa.
Với quyết tâm từng bước kéo Mường Lát gần hơn với miền xuôi, ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11 về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một Nghị quyết đặc thù mà Tỉnh ủy Thanh Hóa dành riêng cho Mường Lát.
Nghị quyết 11 xác định: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỉ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%… Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỉ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã đạt NTM nâng cao, 2 bản đạt NTM kiểu mẫu…
Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế – xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Triệu Minh Xiết, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết ngay khi Nghị quyết được triển khai, huyện Mường Lát đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Đầu tiên, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân với nhiều hình thức phong phú, qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Tư tưởng trông chờ, ỷ lại các chính sách của Nhà nước, tâm lý sợ thoát nghèo, không muốn thoát nghèo trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực. Đây là vấn đề gốc rễ níu Mường Lát suốt bao năm qua. Qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết 11, nhiều nơi người dân đã thay đổi nhận thức rõ rệt, có hàng trăm trường hợp làm đơn xin thoát nghèo”- ông Xiết cho hay.
Tiếp đến, huyện tập trung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được triển khai thường xuyên, lâu dài.
Theo ông Xiết, Mường Lát đã đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện, như: Phối hợp với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Mường Lát, theo định hướng tại Nghị quyết 11; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản cho người dân; xây dựng, tuyên truyền các mô hình sản xuất hiệu quả để người dân học tập, làm theo.
Những kết quả bước đầu
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, đến nay, Mường Lát đã chuyển mình mạnh mẽ, đạt được những thành quả nhất định, nhiều mục tiêu đề ra đã đạt và vượt kế hoạch.
Theo đó, kinh tế của huyện có bước phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2024 ước đạt 3,24%. Sản xuất nông nghiệp có sự đổi mới rõ nét, tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2024 ước đạt 14.185 tấn; giá trị sản xuất bình quân ước đạt 50 triệu đồng/ha; tỉ lệ che phủ rừng đạt 77,47%.
Chương trình xây dựng NTM được tích cực triển khai; bình quân tiêu chí xây dựng NTM toàn huyện đạt 11,14 tiêu chí/xã. Trong đó, xã Mường Chanh đã đạt 19/19 tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định xã đạt chuẩn NTM trong tháng 11-2024; xã Quang Chiểu đạt 14/19 tiêu chí; xã Nhi Sơn đạt 13/19 tiêu chí. Toàn huyện đã xây dựng được 4 sản phẩm OCOP, đang trình công nhận thêm 2 sản phẩm.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2024 ước đạt 2.845 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2024 hơn 7 tỉ đồng; tỉ lệ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2024 ước đạt 20,8%; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 25,5 triệu đồng (năm 2022 là 22,9); đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 2.268 hộ nghèo, chiếm 25,58% (cuối năm 2022 là 4.197 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 47,72%); số hộ cận nghèo là 1.444 hộ, chiếm 16,29% (năm 2022 là 1.553 hộ, chiếm tỉ lệ 17,6%).
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát Triệu Minh Xiết cho rằng qua 2 năm triển khai, hiệu quả và sự lan tỏa của Nghị quyết 11 mang lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là rất lớn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đang ngày càng cải thiện, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền đang được nỗ lực từng bước thu hẹp. “Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Thanh Hóa như một “luồng gió mới”, tạo cú hích tinh thần rất lớn để địa phương phát huy hết tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển, quyết tâm tới năm 2030 đưa Mường Lát thoát nghèo”- ông Xiết nói.
Mường Lát có tổng diện tích tự nhiên 81.240,93 ha. Có 105 km đường biên giới đất liền với nước CHDCND Lào. Toàn huyện có 8 đơn vị hành chính, dân số là 8.809 hộ, với 41.857 khẩu, với 6 dân tộc anh em sinh sống gồm: Dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Kinh, Khơ-mú.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/don-luc-de-muong-lat-thoat-ngheo-196241123124508855.htm