Ngày 28-11, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đăng tải lên mạng xã hội một “thông báo quan trọng” kêu gọi mọi người cùng giữ gìn điện Thái Hòa trong Hoàng thành Huế sau bảo tồn, trùng tu.
Nội dung “thông báo quan trọng” đăng tải trên Fanpage của đơn vị này viết: Sau một thời gian được bảo tồn và trùng tu công phu, điện Thái Hòa – biểu tượng linh thiêng và quyền uy của triều Nguyễn, nay đã mở cửa đón khách tham quan trở lại. Đây là nỗ lực lớn nhằm khôi phục và giữ gìn những giá trị quý báu của di sản, mang lại vẻ đẹp nguyên bản mà cha ông ta đã dày công xây dựng.
Vẻ đẹp lung linh của điện Thái Hòa. Video: Trần Thiện
Để điện Thái Hòa luôn trường tồn với thời gian, chúng tôi xin gửi đến quý khách những lưu ý quan trọng khi tham quan: Không sờ, chạm lên các bề mặt sơn son thếp vàng, vì đây là những chi tiết kiến trúc thủ công được phục dựng rất tỉ mỉ, dễ bị tổn hại bởi bụi bẩn và dấu vân tay. Không dựa hoặc tựa vào các khung cửa, cột gỗ hoặc lan can, vì chúng vừa được khôi phục với vật liệu nguyên bản và cần thời gian ổn định.
Vui lòng giữ trật tự, không xả rác hoặc ăn uống trong khu vực di tích. Tuân thủ hướng dẫn tham quan từ đội ngũ bảo vệ để cùng chung tay bảo vệ công trình sau trùng tu.
“Mỗi du khách khi đến đây không chỉ là người chiêm ngưỡng, mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. Điện Thái Hòa sau bảo tồn, trùng tu là niềm tự hào của đất nước. Nhưng để duy trì được vẻ đẹp đó, chúng tôi cần sự đồng hành và ý thức của mỗi người” – Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đăng lời kêu gọi trong thông báo.
Kèm với thông báo này là nhiều hình ảnh chụp du khách vịn tay, đứng tựa vào những chi tiết kiến trúc thủ công; hay hình vết sơn bị tróc do ai đó dùng vật cứng cố tình tạo ra.
Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn.
Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn.
Đây là nơi đặt ngai vàng các đời vua nhà Nguyễn (1802-1945), tổ chức các buổi lễ đại triều hàng tháng (vào ngày 1 và 15 âm lịch ), lễ Hưng Quốc Khánh Niệm… với sự tham gia của vua, hoàn thân quốc thích và các vị đại thần.
Di tích này được trùng tu với tổng mức đầu tư gần 129 tỉ đồng.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/don-vi-quan-ly-dien-thai-hoa-ra-thong-bao-quan-trong-gui-du-khach-196241128162220678.htm