Động thái của nhiều chủ tịch doanh nghiệp

Tuần này, có 20 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 14 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 3 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 công ty thưởng cổ phiếu và 2 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp.

Đồng loạt mua

Ông Lê Văn Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS) đăng ký mua 500.000 cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch được thực hiện từ ngày 22/11 – 21/12 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Tân sẽ tăng sở hữu của mình tại LSS lên gần 4,34 triệu cổ phần (tương đương 5,41% vốn điều lệ). Ước tính, ông Tân sẽ chi khoảng 6 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.

Động thái của nhiều chủ tịch doanh nghiệp ảnh 1

Chủ tịch Công ty CP Mía đường Lam Sơn đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.

Trước ông Tân, ông Lê Trung Thành – Phó chủ tịch HĐQT LSS – đã mua vào 2,65 triệu cổ phiếu trong tổng số 3 triệu cổ phiếu LSS đăng ký từ ngày 2/10 – 31/10. Lý do không mua được toàn bộ cổ phiếu đăng ký là do giá thị trường không đạt kỳ vọng. Sau giao dịch, ông Thành đã nâng sở hữu của mình lên 5,67% vốn điều lệ.

Ông Lê Hải Đoàn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn HIPT (mã chứng khoán: HIG) – đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HIG nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch được thực hiện từ 21/11 – 20/12. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Đoàn sẽ tăng sở hữu tại đây lên 47% vốn điều lệ. Ước tính, ông Đoàn cần chi khoảng 10 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu đăng ký.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Thành viên HĐQT Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (mã chứng khoán: TDM) – đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch được thực hiện từ ngày 19/11 – 17/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Hiện tại, ông Phong chưa nắm giữ cổ phần nào của TDM. Ước tính ông Phong sẽ chi khoảng 50 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu trên.

Vừa qua, TDM cũng thông báo mua 6,82 triệu cổ phiếu CTW của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ để mở rộng địa bàn hoạt động. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của TDM và của người có liên quan tại CTW sẽ tăng lên 13,72 triệu cổ phần, chiếm 49% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của CTW. Giá chào mua mà TDM đưa ra là 30.400 đồng/cổ phiếu, dự kiến tổng giá trị sẽ là hơn 207 tỷ đồng. Thời gian nhận đăng ký bán từ ngày 12/11 – 23/12.

ASKA Pharmaceutical – cổ đông lớn nhất của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (mã chứng khoán: DHT) – đăng ký mua 500.000 cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, giao dịch được thực hiện từ ngày 20/11 – 26/11 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.

Nếu giao dịch hoàn tất, ASKA Pharmaceutical sẽ tăng sở hữu tại Dược phẩm Hà Tây lên hơn 29,3 triệu cổ phần (tương đương 35,6% vốn điều lệ). Ước tính, ASKA Pharmaceutical sẽ chi hơn 36 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu đăng ký.

Động thái của nhiều chủ tịch doanh nghiệp ảnh 2

ASKA Pharmaceutical – cổ đông lớn nhất của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây – đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.

ASKA Pharmaceutical bắt đầu là cổ đông của Dược phẩm Hà Tây từ năm 2020, sau khi mua thành công 6,6 triệu cổ phiếu để sở hữu 24,9% vốn DHT. Sau nhiều lần mua cổ phiếu, hiện tại hãng dược đến từ Nhật Bản này đang sở hữu 35% vốn DHT.

Cổ phiếu TNA vẫn bị đình chỉ

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc đưa cổ phiếu TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam vào giao dịch trên thị trường Upcom. Theo đó, gần 49,6 triệu cổ phiếu TNA sẽ bắt đầu giao dịch trên Upcom từ ngày 29/11 với giá tham chiếu là 3.700 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, TNA vẫn bị đình chỉ giao dịch vì công ty bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; đồng thời thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch (tính từ 29/11), Thiên Nam phải gửi văn bản cho HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đình chỉ giao dịch.

Trước đó, gần 49,6 triệu cổ phiếu TNA đã bị HoSE ra quyết định huỷ niêm yết từ ngày 19/11. Ngày giao dịch cuối cùng là 13/9 do cổ phiếu TNA đang bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 16/9.

Công ty CP Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) vừa thông qua thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là đợt chào bán hơn 25,7 triệu cổ phiếu, tương đương 7,4% vốn điều lệ nhằm bổ sung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh. Giá chào bán là 23.040 đồng/cổ phiếu.

Động thái của nhiều chủ tịch doanh nghiệp ảnh 3

Công ty CP May Sông Hồng sẽ chi khoảng 262 tỷ đồng trong lần tạm ứng cổ tức này.

Số cổ phiếu trên sẽ được chào bán cho 4 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. MBS dự kiến thu về gần 600 tỷ đồng từ đợt chào bán. Số tiền thu về sẽ được phân bổ cho hoạt động tự doanh (100 tỷ đồng) và cho vay margin (gần 493 tỷ đồng).

Ngày 2/12, Công ty CP May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 35%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận 3.500 đồng. Với hơn 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính MSH sẽ chi khoảng 262 tỷ đồng trong lần tạm ứng cổ tức này.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank – mã chứng khoán: VBB) thông báo 29/11 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Theo đó, Vietbank sẽ phát hành gần 143 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông.

Nguồn phát hành đến từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tới ngày 31/12/2023. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm gần 1.428 tỷ đồng, lên mức 7.139 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất là vào cuối năm 2024.

Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/dong-thai-cua-nhieu-chu-tich-doanh-nghiep-post1694502.tpo