Phát biểu tại chương trình Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương” do UBND TP Đà Lạt phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Đà Lạt, ngày 18-12, bà Phạm Thị Thanh Hường – trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Việt Nam – chia sẻ cách thức vận hành và phát triển thành phố sáng tạo âm nhạc. Trong đó, bà nhấn mạnh các lễ hội văn hóa sáng tạo là một hoạt động trọng tâm của chương trình thành phố sáng tạo.
Mới đây, Lễ hội Sáng tạo của Hà Nội đã thành công nhờ có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, nghệ sĩ và cộng đồng.
Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đặt mục tiêu lấy văn hóa và tính sáng tạo làm trọng tâm của quá trình phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển bền vững các giá trị văn hóa. Mạng lưới hiện bao gồm 350 thành phố, trong đó có 7 lĩnh vực văn hóa sáng tạo, bao gồm cả âm nhạc.
Không những vậy, với cách vận hành của mình, mạng lưới đã tạo cơ hội để đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế của các thành phố thông qua các hoạt động hợp tác.
Để làm sao lễ hội tạo cú hích sân chơi và nuôi dưỡng các nguồn lực, quan trọng là cách chúng ta nhìn lễ hội như thế nào?
Đối với UNESCO, các lễ hội là công cụ để định hình bản sắc văn hóa và các thành phố cần sử dụng lễ hội như nền tảng tôn vinh di sản, kết nối cộng đồng sau đó mới đến mục tiêu thu hút du khách.
Thành công của các lễ hội âm nhạc là xóa nhòa ranh giới giữa những người nghệ sĩ với khán giả. Cộng đồng tham gia vào không có mặc cảm là lòng tự hào về giá trị của mình đóng góp vào trong giá trị đó.
Bà Phạm Thị Thanh Hường đúc kết các yếu tố thành công của Lễ hội Sáng tạo tại Hà Nội:
Có nhóm chuyên gia tuyển chọn và định hướng các hoạt động.
Công bố chủ đề và kế hoạch sớm, kêu gọi sự tham gia của các bên. Xây dựng thương hiệu và cơ chế tài chính hiệu quả.
Kết nối với hệ thống các trường đại học và cơ sở đào tạo.
Tổ chức các hoạt động trưng bày, biểu diễn nghệ thuật đa dạng.
Huy động sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên là sinh viên.
Nội Dung
- 1 Đà Lạt cần có đầu tư, chiến lược và thời gian mới phát triển âm nhạc thành nền công nghiệp mũi nhọn
- 2 Thu hút du khách từ các bộ phim
- 3 Liên hoan phim quốc tế không nhất thiết cần thảm đỏ, ngôi sao
- 4 Giai đoạn vàng cho Đà Lạt xây dựng chương trình, tầm nhìn cho công nghiệp văn hóa
- 5 Đà Lạt cần hợp tác quốc tế đào tạo – giáo dục lĩnh vực âm nhạc
- 6 Đưa Anh trai say hi đến Đà Lạt, có được không?
Đà Lạt cần có đầu tư, chiến lược và thời gian mới phát triển âm nhạc thành nền công nghiệp mũi nhọn
Tại phiên thảo luận Phát triển công nghiệp văn hóa tại Đà Lạt gắn với danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, nhạc sĩ Quốc Trung, người sáng lập và điều hành Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa, nhấn mạnh cần phải tìm ra những nét đặc trưng và lễ hội phải mang tinh thần của địa phương, thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra cảm hứng cho cộng đồng để người dân cảm thấy lễ hội là một phần của họ, qua đó đóng góp vào sự thành công chung, đặc biệt là cảm xúc.
Theo anh, quảng trường Lâm Viên là nơi có thể tổ chức nhiều show âm nhạc rất lớn. Nhưng lễ hội không nhất thiết chỉ có thể làm ở sân vận động hay quảng trường. Trên thế giới có nhiều thành phố, thị trấn nhỏ cũng diễn ra các sự kiện lễ hội âm nhạc, như tại Thụy Sĩ hay Canada.
“Khi làm về công nghiệp văn hóa, phải hiểu đây là lĩnh vực sáng tạo, nên điều quan trọng là phải tạo ra đội ngũ sáng tạo.
Với lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt cần có đầu tư, chiến lược và thời gian mới phát triển thành nền công nghiệp mũi nhọn”, ông Trung nói.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Đà Lạt cũng nên tạo ra môi trường để các chuyên gia có thể đóng góp các sáng kiến cho việc phát triển và xây dựng thương hiệu âm nhạc tại Đà Lạt, thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà sáng tạo đóng góp ý tưởng.
Các lễ hội mang lại rất nhiều giá trị cho cộng đồng và kinh tế. Vì vậy cần biết cách huy động nguồn lực để tạo ra sự chung tay cho quá trình phát triển của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Trung dẫn lại chiến lược từ Chính phủ Singapore trong thời gian gần đây, khi tổ chức rất nhiều tour diễn kéo dài hàng tuần của các ca sĩ nổi tiếng như Taylor Swift hay nhóm nhạc Coldplay. Riêng với công chúa nhạc đồng quê, Chính phủ Singapore đã trả riêng cho cô 18 triệu USD chỉ để cô diễn tại đảo quốc sư tử, từ đó thu lại hàng trăm triệu USD từ du lịch.
Thu hút du khách từ các bộ phim
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết yếu tố giúp địa phương trở thành địa điểm thu hút du lịch thông qua phim điện ảnh sẽ xuất phát từ kịch bản của người sáng tác và chính sách của địa phương. Dẫn chứng lại quá trình quay bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình”, đạo diễn cho biết đoàn phim đã được UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ, nhờ vậy thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp.
Tuy nhiên, việc này sẽ đòi hỏi địa phương đánh đổi một số lợi ích trước mắt như hạn chế du khách tại một số địa điểm, khu du lịch, khu dân cư… để đoàn phim quay trong nhiều ngày, hay chỉnh trang lại các bối cảnh để phù hợp với điều kiện quay.
“Khi phim ra mắt và nếu thành công về doanh thu và khán giả, địa phương sẽ trở thành điểm thu hút du khách tham quan, thậm chí có thể làm các tour trong ngày để tham quan phim trường hoặc các địa điểm đã xuất hiện trong các cảnh quay của phim”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói.
Liên hoan phim quốc tế không nhất thiết cần thảm đỏ, ngôi sao
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, nhiều người mặc định rằng liên hoan phim là sự kiện rực rỡ, rình rang với thảm đỏ, ngôi sao, và sự tham gia của những tên tuổi lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều liên hoan phim quy mô nhỏ ở Pháp, Malaysia hay Thụy Sĩ được tổ chức tại những thị trấn nhỏ, hướng tới nhu cầu thực tế của người dân và du khách.
Những liên hoan phim này không tập trung vào hình thức, mà nhấn mạnh sự kết nối và tác động đến các khán giả tham gia. Đây là điều mà các liên hoan phim ở Việt Nam có thể học hỏi.
“Quy mô lớn chỉ phù hợp với những nền điện ảnh lớn, và đặc biệt là những quốc gia có nền tài chính vững chắc. Trong khi đó, chúng ta thường tổ chức sự rình rang, nhưng chất lượng thì lại chưa đạt”, đạo diễn nhận định.
Đạo diễn Phan Đăng Di đề xuất chính quyền các địa phương ở Việt Nam cần có hiểu biết đầy đủ về việc tổ chức liên hoan phim. Những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này cần được tự chủ hoàn toàn, còn chính quyền nên để họ tự do điều hành. Ví dụ ở Hà Nội, sự kiện được tổ chức dưới hình thức gọn gàng, trao quyền cho những người có chuyên môn đảm nhận, và kinh phí không cần quá lớn.
Khi được hỏi về đề xuất tổ chức một liên hoan phim ở Đà Lạt, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng cần phải tận dụng được những đặc trưng độc đáo của thành phố này.
“Đà Lạt là thành phố đầy ma mị và quyến rũ, cũng là thành phố của tình yêu và lãng mạn. Trên thế giới, nhiều thành phố đã biết tận dụng các tính chất đặc trưng để tổ chức liên hoan phim riêng, mang dấu ấn khó quên” – ông chia sẻ.
Một liên hoan phim ở Đà Lạt về dòng phim cảm giác mạnh, tại sao không? Ông hình dung: “Thử cảm giác không khí lạnh lắm, cùng xem một bộ phim ma hoặc kinh dị, sau đó cùng nhau đi ăn. Đó là một trải nghiệm khó quên”.
Việc xây dựng một liên hoan phim mang bản sắc đối mới, thu hút công chúng chính là đòn bẩy để đạt được sự thành công.
Ngoài ra, liên hoan phim này cần có hình thức tổ chức độc đáo, trong đó khán giả đóng vai trò như những giám khảo, và giải thưởng cao nhất sẽ do khán giả bình chọn. Từ đó, Đà Lạt có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà làm phim và du khách quốc tế.
Giai đoạn vàng cho Đà Lạt xây dựng chương trình, tầm nhìn cho công nghiệp văn hóa
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại – nhấn mạnh nếu không cẩn trọng trong phát triển các ngành văn hóa và sáng tạo thì có nguy cơ các sản phẩm âm nhạc và sáng tạo ở Đà Lạt sẽ chỉ chạy theo nhu cầu và mong muốn của du khách.
Điều này không sai, nhưng không nên được đặt ở vị trí trung tâm của thành phố sáng tạo, và sẽ không phải là mục đích duy nhất của tất cả các hoạt động văn hóa và nghệ thuật để phát triển du lịch.
“Đây là giai đoạn vàng để Đà Lạt, các đối tác và chuyên gia có thể xây dựng một chương trình cụ thể, tầm nhìn và hướng tiếp cận mà trong đó âm nhạc và văn hóa nghệ thuật phục vụ con người và hướng đến phát triển bền vững như những mục tiêu bao trùm. Từ sự cởi mở trong chính sách về hợp tác công – tư, Đà Lạt cũng cần tạo cơ chế để các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố, song song với việc yêu cầu các đối tác đáp ứng mục đích phục vụ con người và Đà Lạt”, bà Hà cho biết.
Đà Lạt cần hợp tác quốc tế đào tạo – giáo dục lĩnh vực âm nhạc
Bà Trần Hải Vân, phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng Đà Lạt giờ đã mở cánh cửa quốc tế, nên tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ, tức là xác định cần phải làm gì để phát triển.
Bà tham vấn: “Chúng ta phải dựa vào sức mạnh của chuyên gia để chỉ ra chúng ta phải làm cái gì một cách cốt lõi để đạt được những mục tiêu đột phá. Ngoài ra, ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi thấy học hỏi kinh nghiệm quốc tế là hết sức quan trọng. Ở các nước, chính quyền thành phố không tham gia vào công tác tổ chức mà tham gia tạo cơ chế, kết nối để các nghệ sĩ, nhà tổ chức sự kiện.
Tôi khuyến nghị, bên cạnh các sự kiện thì cần tập trung vào giáo dục. Giáo dục các lĩnh vực sáng tạo là mảng Đà Lạt hoàn toàn thiếu. Ở đây là giáo dục âm nhạc.
Giáo dục là giá trị cốt lõi để phát triển sáng tạo âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác của thành phố. Xứng với danh hiệu thành phố sáng tạo của UNESCO.
Để hoạt động giáo dục có thể đi nhanh hơn, chúng ta có thể hợp tác quốc tế. Hoạt động hợp tác không chỉ nâng giá trị giáo dục hiện đang là mảng thiếu của Đà Lạt mà còn nâng cao thương hiệu thành phố tại quốc tế”.
Ông Đặng Quang Tú, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, du lịch.
Ông nói: “Tôi nghe nhiều ý kiến từ hội thảo, những ý kiến rất thực tế, có khả năng áp dụng tại Đà Lạt. Có nhiều ý kiến thực tế, gần gũi và không quá khó để tiếp cận. Chúng tôi đã có sự quan tâm và tham gia hành trình du lịch xanh, công nghiệp sáng tạo.
Chúng tôi cam kết không dừng lại trên hành trình này, và nỗ lực hỗ trợ để tạo ra khoảng không gian cho những nhà sáng tạo nội dung, những nhà hoạt động trong các lĩnh vực âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật. Những ý kiến của chuyên gia và người dân giúp Đà Lạt có thêm chuyển mình theo những định hướng lớn, định hình giá trị thành phố tầm quốc gia và quốc tế”.
Đưa Anh trai say hi đến Đà Lạt, có được không?
Bà Nguyễn Thùy Vinh, trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và truyền thông DatVietVAC, cho biết tổng lượng khán giả của 4 đêm công diễn Anh trai say hi lên đến 180.000 khán giả. Dù đêm diễn đã trôi qua, trên các fanpage, khán giả khắp nơi “đặt hàng” mang Anh trai say hi đến các tỉnh thành.
Bà Vinh cho rằng sự thành công của chương trình có được nhờ sự yêu mến của khán giả. Từ một chương trình thực tế trên truyền hình, các show diễn đã đến với công chúng.
“Đà Lạt thì sao? Đà Lạt là thành phố văn hóa sáng tạo rất tương thích với các chương trình văn hóa kinh tế sáng tạo mà hệ sinh thái công nghệ truyền thông giải trí DatVietVAC đang thực hiện. Nếu quảng trường Lâm Viên chứa 15.000 – 20.000 khán giả, hoàn toàn có thể linh động ra những không gian lớn hơn để tạo ra điểm chạm”, bà Vinh gợi ý.
Đại diện doanh nghiệp này cũng đề xuất mô hình hợp tác công – tư trong việc tổ chức các sự kiện âm nhạc. Thay vì TP Đà Lạt tự đứng ra tự tổ chức vận hành thì có thể phối hợp với những đơn vị lữ hành, lưu trú mang đến những combo trải nghiệm cho du khách đến Đà Lạt và quảng bá con đường số hóa nhiều hơn. “Đi một mình thì khó thành công. Đi cùng nhau để tạo cho Đà Lạt phát triển hoàn thiện về các sản phẩm du lịch văn hóa”, bà Vinh nói.
Nguồn bài viết : https://tuoitre.vn/dua-anh-trai-say-hi-den-da-lat-co-duoc-khong-20241218081908382.htm