Đừng tạo áp lực cho trẻ!

Một bà mẹ kế bên nhà tôi cho biết: “Con trai tôi 6 tuổi, đang học lớp 1. Cô giáo nói cháu học không tập trung, không nhớ gì hết và không thể ngồi yên làm bài tập. 

Tôi sợ trí thông minh của cháu không được bình thường. Ngay cả khi chơi ở nhà, cháu cũng lăng xăng, thay đổi hoạt động liên tục”.

Cậu bé đi học lúc 7 giờ, ăn trưa ở trường, ra về lúc 16 giờ, sau đó đi học thêm 2 giờ, về nhà ăn cơm tối, làm bài tập, xem tivi và lên giường lúc 22 giờ 30 phút nhưng phải đến 23 giờ 30 phút mới ngủ. Người mẹ kể từng đưa con đi khám bệnh vì cô giáo nói bé thiếu tập trung, trí nhớ kém.

Thật ra, ở độ tuổi lên 6, trẻ chỉ có thể tập trung tối đa 45 phút với cùng một chủ đề. Trẻ cần được nghỉ ngơi, hoạt động vui chơi và thư giãn đều đặn. 

Vì thế, khi trẻ có giờ rảnh là “lăng xăng” để có thể làm những gì mình muốn và không làm điều không thích. Sự gò bó giờ giấc khiến trẻ bực bội… 

Ngoài ra, giấc ngủ cũng có vai trò rất quan trọng. Trẻ từ 6 đến 11 tuổi cần ngủ 8 – 10 giờ mỗi ngày. Trẻ ngủ trễ dễ bị kích động, căng thẳng và kiệt sức nên khó tập trung.

“Sau khi được tư vấn, tôi đã sắp xếp lại lịch học, vui chơi, nghỉ ngơi cho con nên giờ đã cải thiện phần nào. Lúc nghe cô giáo nói con tiếp thu kém, tôi lại định mời người về dạy kèm vì sợ bé không theo kịp bạn, không biết chừng tạo thêm áp lực cho con” – người mẹ băn khoăn.

TIN LIÊN QUAN

  • Để con không đắm chìm vào mạng xã hội

    Để con không đắm chìm vào mạng xã hội

  • Khi cha mẹ và con mất kết nối

    Khi cha mẹ và con mất kết nối

  • Khi trẻ nổi loạn ở tuổi dậy thì

    Khi trẻ nổi loạn ở tuổi dậy thì

Bạn tôi là kỹ sư đang làm việc ở một công ty quốc tế. Con trai đầu lòng của anh tốt nghiệp bác sĩ lúc 25 tuổi; con trai út 14 tuổi học giỏi các môn xã hội nhưng rất kém các môn toán, lý, hóa. 

Mỗi khi có kiểm tra, cháu hay bị đau bụng và chỉ làm được nửa bài. Về nhà, cháu ít nói, thường ở trong phòng lướt web, chơi game nhiều. 

Ở lớp, thầy cô nhận xét cháu kém tập trung. Điều này khiến bạn tôi rất lo lắng, vội đi gặp bác sĩ tâm lý.

“Bác sĩ nói ở tuổi đó, nhiều trẻ lo ra, tự cô lập và ít giao tiếp với bố mẹ nhưng quan tâm đến những gì xảy ra với bạn bè; bận tâm về nhiều vấn đề mà không dám nói ra. 

Bố và anh là những “nhà chuyên môn”, khoa bảng nên con thấy áp lực, muốn đối nghịch với “khuôn mẫu gia đình”. 

Điều này giải thích vì sao có buổi kiểm tra là con tôi lại đau bụng. Nghe bác sĩ giải thích, chúng tôi cũng đỡ lo lắng hơn” – bạn tôi nhớ lại.

Bạn tôi cũng rút ra bài học mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu. Không nên so sánh trẻ với anh trai hay bố mẹ mà cần động viên để tăng thêm sự tự tin vào bản thân và sự nỗ lực trong khả năng của trẻ.

Tóm lại, căng thẳng, áp lực là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại cho trẻ. Vậy nên, thay vì tạo áp lực hoặc lo lắng thái quá, phụ huynh nên khuyến khích, động viên, không để trẻ luẩn quẩn với các điểm số. 

Ở lứa tuổi học sinh, bên cạnh việc học tập, trẻ cần có điều kiện thư giãn, phát huy trí tưởng tượng và vui chơi với bạn bè. 

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/dung-tao-ap-luc-cho-tre-196231202190820618.htm