Trên cơ thể có nhiều loại dây chằng, nằm ở những vị trí khác nhau như đầu gối, khuỷu tay, khớp háng, vai, cổ chân, lưng… Những dây chằng này chịu trách nhiệm liên kết các xương với nhau, giúp giữ vững, ổn định các khớp và duy trì linh hoạt khi vận động. ThS.BS.CKI Phan Thanh Tân, Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết té ngã, chấn thương thể thao, tai nạn giao thông… có thể làm dây chằng bị kéo căng quá mức hoặc đột ngột, dẫn đến đứt rách.
Dây chằng có thể tự lành hay cần phải can thiệp y tế bởi bác sĩ chuyên khoa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, một yếu tố quan trọng là mức độ tổn thương.
Giãn dây chằng (tổn thương độ một): Dây chằng chỉ bị phù nề, chưa rách, có thể tự lành nếu nghỉ ngơi đầy đủ, tránh tổn thương lặp lại và tập phục hồi chức năng.
Bác sĩ Tân kiểm tra tình trạng chức năng dây chằng người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Rách bán phần dây chằng (tổn thương độ hai): Dây chằng bị rách một phần có thể tự lành sau khoảng ba tháng hoặc lâu hơn. Trong thời gian này, dây chằng hình thành các mô xơ để “vá lại” vị trí bị rách. Phần dây chằng còn lại đóng vai trò giữ vững tạm thời, giúp phần bị đứt lành lại. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp y tế đúng cách, dây chằng sau khi lành lại không thể phục hồi hoàn toàn, độ căng không còn như ban đầu, dẫn đến chức năng của chúng cũng bị ảnh hưởng.
Đứt hoàn toàn dây chằng (tổn thương độ ba): Chức năng giữ vững khớp của dây chằng bị mất đi, gây lỏng khớp. Tùy vào vị trí dây chằng bị đứt, độ tuổi, nhu cầu vận động và mong muốn của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn. Phẫu thuật có thể là mổ mở hay mổ nội soi, khâu hay tái tạo dây chằng. Bác sĩ phải lựa chọn các mảnh ghép phù hợp và có chương trình tập phục hồi chức năng hiệu quả, an toàn cho người bệnh.
Bác sĩ Tân (bên trái) trong một ca phẫu thuật tái tạo dây chằng. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Tân khuyến cáo người bị chấn thương nên đi khám sớm để được đánh giá mức độ tổn thương dây chằng và khảo sát các tổn thương đi kèm (gãy xương, trật khớp, tổn thương sụn…), điều trị phù hợp. Điều trị chậm trễ hoặc sai cách có thể dẫn đến một số biến chứng như tổn thương sụn chêm, thoái hóa khớp về sau… Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, người bệnh nên phối hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:
Dinh dưỡnghợp lý tăng cường nguyên liệu cho quá trình lành thương của cơ thể.
Tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong đó có thể gồm các bài tập kéo giãn và cải thiện cơ bắp, giúp giảm căng và tăng cường độ bền dây chằng. Trong quá trình tập luyện cũng như sinh hoạt hàng ngày, phải đeo nẹp hoặc băng hỗ trợ khớp để giảm tải trọng, bảo vệ dây chằng.
Tái khám định kỳ hoặc ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường như đau dữ dội, sưng to, mất hoàn toàn chức năng khớp hoặc không thể cử động khớp… Điều này giúp can thiệp kịp thời và đúng cách, giảm nguy cơ biến chứng, tăng cơ hội hồi phục hoàn toàn.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/dut-day-chang-mat-bao-lau-hoi-phuc-4868573.html