Fanpage Thông tin Chính phủ có hàng chục triệu lượt truy cập mỗi ngày

Sáng 14/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chủ trì hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương năm 2024.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, cho biết nền tảng website, hệ sinh thái truyền thông của Cổng đang vận hành gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với ba ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Trung. Cổng cũng cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo…

Trong đó, fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook đang có hơn 5,4 triệu người theo dõi thường xuyên; mỗi ngày có 15-20 triệu lượt truy cập, lúc cao điểm lên đến 30 triệu lượt. Kênh YouTube Thông tin Chính phủ có gần 300.000 người theo dõi với gần 7 triệu view hằng tháng, nhiều video đạt trên 1 triệu lượt xem.

Các trang thông tin trên Zalo có hơn 10 triệu tài khoản theo dõi, trung bình mỗi tháng có 2,3 triệu lượt người tiếp cận thông tin. Kênh thông tin Chính phủ trên Viber có hơn 166.000 thành viên. Cổng cũng vận hành hai ứng dụng Chinhphu.vn và Báo điện tử Chính phủ.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh: Hải Minh

Theo ông Sâm, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có hệ thống cơ sở dữ liệu lớn nhất trong các cơ quan hành chính nhà nước. Lượng người truy cập vào Cổng Chính phủ trong top 10 website bằng tiếng Việt có nhiều người truy cập; đứng đầu trong các tờ báo chính trị ở Việt Nam.

“Chúng tôi tổ chức truyền thông những nội dung có ảnh hưởng tới đời sống người dân và cập nhật thông tin, dữ liệu chính thống nhanh, chính xác nhất, liên tục 24/7, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết”, ông Sâm nói.

Cổng Chính phủ là nơi đầu nguồn phát ra những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Hầu hết thông tin về chính sách, pháp luật, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó thủ tướng đều được báo chí trung ương, địa phương khai thác, đăng tải.

Ông cho biết lợi ích của việc kết nối thông tin giữa các Cổng Thông tin Chính phủ và các bộ ngành, địa phương là lan tỏa nhanh chóng các chỉ đạo, điều hành, hình ảnh của Thủ tướng, Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp có con đường ngắn nhất tiếp cận thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, nhiều bộ ngành, địa phương đã cung cấp thông tin trên nền tảng Facebook (64 đơn vị), YouTube (25) và Zalo (45). Tại hội nghị, lãnh đạo cổng thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Quốc phòng, Công an, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh… đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển Cổng thông tin điện tử trên website và mạng xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết với sự phát triển của không gian số, các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước không thuần túy là nơi đăng tải, cung cấp thông tin. Đây còn là nơi trao đổi hai chiều giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Trang thông tin điện tử “là cầu nối vô cùng quan trọng giữa chính quyền và người dân trong thời đại số này”. Theo hệ thống giám sát EMC của Bộ Thông tin và Truyền thông, có những cổng thông tin bộ ngành có lượng truy cập lên đến hơn 100 triệu lượt. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của người dân.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai rộng rãi hình thức đưa tin bài lên mạng xã hội như cách làm của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Nâng cấp Cổng thông tin Bộ ngành, địa phương

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết năm 2024 có 5 địa phương đã thí điểm Trung tâm dịch vụ hành chính công một cấp, trong đó có Hà Nội. Bắc Ninh giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đứng đầu cả nước, từ mức độ công khai, minh bạch kết quả.

Theo ông Sơn, vấn đề mấu chốt là nâng cấp hệ thống thông tin các bộ ngành, sau đó mới kết nối, liên thông, chia sẻ. Hiện 5 địa phương thí điểm lập trung tâm dịch vụ hành chính công để người dân chỉ cần đến xã là giải quyết được thủ tục hành chính kết nối với trung ương, không phải ra trung ương nữa. “Vậy Cổng thông tin điện tử của chúng ta cũng phải thế”, ông Sơn nói.

Chính phủ đã ban hành nghị định cho phép dùng vốn chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp các hệ thống thông tin, trong đó có việc kết nối, liên thông. Do vậy, ông Sơn cho rằng vấn đề về vốn không mắc nữa. “Chúng ta phải đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin”, ông Sơn nói, nhấn mạnh cần đầu tư nhân lực, nhất là những người làm việc trực tiếp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý các bộ ngành và địa phương ngoài truyền thông chính sách, Cổng thông tin điện tử các cấp phải xử lý kịp thời các kiến nghị của người dân.

Viết Tuân

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/fanpage-thong-tin-chinh-phu-co-hang-chuc-trieu-luot-truy-cap-moi-ngay-4816026.html