Xu hướng “game hóa” các di sản văn hóa, điểm đến du lịch đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều dự án game hóa di sản nổi bật, chứng minh tác động tích cực của xu hướng này đối với du lịch và giáo dục, kích thích sự tò mò và kiến thức về văn hóa các địa điểm có mặt trong trò chơi như Vạn Lý Trường Thành được thể hiện trong “The Great Wall Run” tại Trung Quốc hay “The Colosseum Challenge” ở Ý.
Nhờ hiệu quả ứng dụng công nghệ, game hóa di sản đang trở thành hướng đi tiềm năng trong phát triển du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả trong việc thu hút du khách.
Tại Việt Nam, game hóa di sản xuất hiện từ hơn 10 năm trước với gameshow truyền hình “Hà Nội 36 phố phường” – chương trình mở đầu cho xu hướng tích hợp nội dung tìm hiểu về di sản trong các trò chơi vừa mang ý nghĩa giáo dục vừa có tính giải trí.
Đến năm 2021, tua đêm Hoàng Thành ra đời và đã nhận được sự quan tâm lớn của du khách. Đến với tua đêm, du khách có thể hình dung một phần lịch sử của Hoàng thành Thăng Long trải dài từ thế kỷ VII-XIX, xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn. Kết thúc tua là trò chơi Giải mã Hoàng thành Thăng Long dành cho du khách.
Du khách khám phá Làng cổ Đường Lâm bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. |
Phát triển sâu hơn loại hình này, ứng dụng Outing với tua game di sản ở làng cổ Đường Lâm giúp hành trình du lịch của du khách sống động hơn. Ứng dụng có lộ trình di chuyển trong đó sẽ ghim địa điểm từng trạm trên ứng dụng và tích hợp các thông tin cần thiết về điểm đến đó. Các nhiệm vụ, thử thách cũng lần lượt được đưa ra, gắn liền với sản phẩm đặc trưng của điểm đến. Người chơi phải trả lời từng câu hỏi để tích điểm.
Ngoài ra, Outing cũng thiết lập một số chương trình khác như trò chơi nhập vai “Mật mã từ cổ vật” tại Bảo tàng Hùng Vương (Việt Trì), mô phỏng trò chơi truy tìm mật mã tại bảo tàng. Để tìm được các gợi ý cho đáp án cần trả lời đúng các câu hỏi có liên quan về vùng đất Tổ. Mỗi trạm dừng trên trò chơi vừa cung cấp thông tin, vừa kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và nhân vật lịch sử nổi tiếng.
“Với tính năng tiêu biểu nhất là tạo ra bản đồ gắn với những điểm đến, di tích hoặc không gian du lịch, các ứng dụng sẽ dựa trên nền tảng định vị GPS để đưa thông tin hoặc nhiệm vụ, câu hỏi cho du khách, người chơi. Sau khi người chơi, du khách cài ứng dụng làm theo hướng dẫn đến đúng vị trí yêu cầu, du khách sẽ nhận được thông tin về điểm đến, di sản, di tích đó hoặc là câu đố, câu hỏi gắn liền với điểm đến”, ông Nguyễn Bá Tùng, Giám đốc CTCP công nghệ Outing App giải thích.
Việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và di sản văn hóa truyền thống, các dự án game hóa đã mở ra một hình thức truyền tải văn hóa mới lạ thú vị, thu hút sự quan tâm của du khách và thế hệ trẻ, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Bá Tùng, hình thức biến văn hóa, du lịch thành trải nghiệm tương tác không chỉ giúp lưu giữ những kiến thức văn hóa và giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại mà còn khiến chúng trở nên sống động và gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó, các trò chơi mở ra cơ hội lớn trong việc quảng bá văn hóa và di sản Việt Nam trên trường quốc tế. Để hoạt động game hóa di sản giúp ích thiết thực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thu hút du khách, cần phải có sự hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức văn hóa và các nhà phát triển trò chơi.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/game-hoa-di-san-diem-den-tao-suc-hut-voi-du-khach-post1695351.tpo