Chiều tối 27-12, cơn mưa lớn đổ xuống khiến nhiều tuyến đường ra vào cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) kẹt cứng phương tiện giao thông.
Tín hiệu lạc quan từ nhà ga T3
Nhiều người điều khiển xe máy nhích từng bước dưới mưa trên đường Cộng Hòa, Trường Sơn (quận Tân Bình) và các tuyến đường ra vào sân bay. Không ít hành khách vừa hạ cánh xuống sân bay, di chuyển vào trung tâm TP HCM thì gặp cảnh ùn tắc ngay cửa ngõ.
Tuy nhiên, một số hành khách đi ô tô cá nhân cho biết đã đóng phí ra vào sân bay qua tài khoản ETC khi sân bay này triển khai thí điểm thu phí không dừng. Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), việc thí điểm triển khai thu phí không dừng với phương tiện ra vào sân bay Tân Sơn Nhất góp phần tạo thuận lợi cho hành khách, giảm tình trạng ùn tắc cục bộ khu vực cửa ngõ.
Cách đó không xa, đại công trường xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang chạy nước rút thi công để kịp tiến độ khai thác chính thức vào dịp 30-4-2025. Tại lễ phát động thi đua 120 ngày đêm về đích hoàn thành công trình chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dự án này, ông Trần Minh Châu, phụ trách Phòng Kỹ thuật thiết bị – Ban Quản lý dự án, cho biết tổng khối lượng công trình thực hiện đạt đã khoảng 75%-80% và đang theo đúng kế hoạch đặt ra.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày cuối năm, không khí trên công trường xây dựng nhà ga T3 càng tất bật, gấp rút hơn. Nhiều hạng mục thi công đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ đề ra. Các hạng mục như nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng và dịch vụ phi hàng không, nhà cơ điện, hệ thống cầu cạn, sân đỗ máy bay… đều đang thành hình.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 được ACV triển khai và khởi công vào cuối tháng 8-2023 theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 657/2020 của Thủ tướng về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỉ đồng với 4 hạng mục chính. Trong đó, hạng mục nhà ga hành khách T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2, bao gồm 89 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 ki-ốt check-in, 26 cửa ra tàu bay, 6 đảo xử lý hành lý đi, 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách đi…
Theo ACV, nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Nhờ đó sẽ giảm tải cho nhà ga T1 đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhiều tín hiệu tích cực
Những ngày cuối năm, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mua sắm tăng cao nên nhiều tuyến đường trở thành “điểm nóng”, thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, nhất là các tuyến cửa ngõ sân bay như Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Văn Thụ…
Trên đường Cộng Hòa (đoạn giáp đường Trường Chinh đến vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình), từ 7-9 giờ và từ 17-19 giờ hằng ngày, xe cộ nối đuôi nhau khiến việc di chuyển qua quãng đường khoảng 5 km có khi mất tới hơn 30 phút. Tương tự, trên các tuyến đường Trường Chinh (từ cầu Tham Lương đến đoạn giao với Hoàng Hoa Thám) và đường Tân Kỳ Tân Quý (từ đoạn giao với Trường Chinh đến Lê Trọng Tấn), người điều khiển phương tiện giao thông luôn trong tình trạng ngộp thở, không chỉ trong 2 khung giờ cao điểm mà cả những lúc phương tiện tăng đột biến.
Để giải tỏa ùn ứ khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều dự án đang được chính quyền TP HCM triển khai như dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình), dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ cổng Doanh trại quân đội đến giao với cầu Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình), dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) và mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Mã Lò đến Bình Long, quận Bình Tân).
Thông tin về tiến độ dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho hay dự án còn vướng thủ tục pháp lý bàn giao mặt bằng phần đất quốc phòng, riêng đất 3 hộ dân đã được bàn giao trong tháng 11-2024. Nếu sớm có mặt bằng khu đất quốc phòng, chủ đầu tư cố gắng hoàn thành dự án trước dịp lễ 30-4-2025.
Trong khi đó, dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đã thông xe hầm chui từ đường Hoàng Văn Thụ hướng ra Phan Thúc Duyện và tổ chức giao thông đi lại ở đoạn nối đường Thăng Long – 18E – Cộng Hòa, giúp giảm tải giao thông khu vực cầu vượt Lăng Cha Cả, đường Thăng Long. Toàn dự án đến nay hoàn thành khoảng 88% khối lượng, còn vướng mặt bằng 68 hộ dân. Nếu có mặt bằng vào cuối tháng 12-2024, dự kiến dự án hoàn thành vào ngày 28-2-2025.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, tuyến đường kỳ vọng sẽ hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1 đến trung tâm TP HCM và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đại diện chủ đầu tư cho hay sẽ hoàn tất một đoạn từ Mã Lò đến Bình Long trong tháng 12 này. Song song đó, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán này, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
“Khi các dự án cụm cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm áp lực, giải tỏa ùn tắc các tuyến đường xung quanh sân bay. Đặc biệt, khi nhà ga T3 hoàn thành, đưa vào khai thác dịp lễ 30-4-2025, các dự án trên sẽ góp phần khơi thông cửa ngõ sân bay, tạo mỹ quan đô thị và kết nối các quận, huyện đến trung tâm thành phố, sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện hơn” – đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM nhìn nhận.
Nhằm đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, Cục Hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố có cảng hàng không, sân bay chỉ đạo sở Giao thông Vận tải rà soát, yêu cầu các đơn vị khai thác các tuyến xe buýt đi, đến cảng lập kế hoạch, tăng tần suất khai thác và tăng thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt đi, đến các sân bay, đặc biệt là vào khung giờ ban đêm theo thời gian khai thác đêm của các cảng.
Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở Giao thông Vận tải và các sở, ban ngành có liên quan rà soát, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải khác trên địa bàn như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng phương tiện đến cảng hàng không để phục vụ khách có nhu cầu, nhất là các hành khách trên các chuyến bay đêm đi, đến cảng hàng không.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã điều chỉnh số lượng chuyến cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lên 48 chuyến/giờ với ban ngày và 46 chuyến/giờ vào ban đêm. Dự kiến, số chuyến bay sẽ tăng mạnh trong dịp cao điểm Tết (từ ngày 15 tháng chạp trở đi) với 800 chuyến/ngày, lượng khách 130.000 người/ngày, tương đương hơn một phút sẽ có một chuyến bay.
“Để phục vụ tốt nhất cho lượng khách gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán 2025, hành khách cần chủ động chuẩn bị giấy tờ tùy thân, lịch trình, thông tin liên quan đến chuyến bay nhằm hạn chế chậm chuyến, lỗi chuyến. Đồng thời nên hạn chế số lượng người nhà đến đưa, đón tại sân bay trong dịp Tết” – đại diện Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/giam-un-tac-cua-ngo-san-bay-tan-son-nhat-196241227212919762.htm