Các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An (xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) dạy học bằng cả tình yêu thương, lòng nhiệt huyết của mình để các em nhỏ có thể tiếp thu kiến thức, học nghề chuẩn bị cho một tương lai tự lập. |
Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An (xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) trực thuộc Sở LĐTB&XH Nghệ An hiện có gần 280 học sinh khuyết tật trí tuệ và vận động đang theo học. Trong đó, có 180 học sinh ở xa được bố trí ăn ở nội trú ngay tại trung tâm để thuận tiện cho việc học của các em. |
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An cho biết, tại trung tâm hiện có 22 lớp học. Trong đó có 11 lớp học chương trình văn hóa theo ngôn ngữ chuyên biệt và 11 lớp học nghề. Các em học sinh tiếp nhận đến trường trong độ tuổi dao động từ 6-20 tuổi. |
“Các em được học chương trình văn hóa trong vòng 5 năm và được học nghề 3 năm. Trước khi vào, các em được phân loại và bố trí vào các lớp học. Sau khi học văn hóa, nếu các em đã đủ 14 tuổi trở lên sẽ được chuyển sang lớp học nghề. Nếu chưa đủ, các em sẽ chờ đủ 14 tuổi mới tiếp tục học nghề”, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói và cho biết, tại trung tâm hiện đang dạy cho các em nhiều nghề, trong đó nghề may là chủ yếu. Ngoài ra còn có nghề thêu, nghề mộc, nghề vi tính. |
Đã có 30 năm công tác tại trung tâm, cô Phan Việt Phương (52 tuổi) cho hay, ở trung tâm các em học sinh không thể nghe, không thể nói nên giáo viên phải dạy bằng ký hiệu chuyên biệt. Ngoài ra, để các em có thể hiểu và tiếp thu kiến thức, giáo viên phải kết hợp nhiều phương pháp gồm cử chỉ, khẩu hình và cả lời nói. |
Thông qua những ký hiệu, cử chỉ, các em học sinh sẽ hiểu kiến thức và có thể giao tiếp với cô và mọi người. |
Có gần 15 năm đứng giảng dạy lớp khuyết tật trí tuệ tại trung tâm, cô Đinh Thị Sa (SN 1987) cho hay, mỗi lớp có khoảng 15-20 học sinh nhưng có nhiều độ tuổi khác nhau. Các em cũng có nhiều bệnh và khuyết tật, khả năng tiếp thu khác nhau nên việc dạy gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. “Ngoài dạy chung, giáo viên còn phải hiểu rõ từng em học sinh, hiểu tính cách, khả năng tiếp thu kiến thức của từng em để có cách kèm riêng. Nếu dạy chung các em sẽ không tiếp thu được”, cô Sa nói. |
Với những học sinh nặng, khả năng tiếp thu hạn chế, cô Sa phải chỉ bảo từng tí. |
Thời gian đầu giảng dạy ở trung tâm, cô Sa cảm thấy rất áp lực và lo lắng. Tuy nhiên với sự nhiệt huyết, lòng yêu thương trẻ, cô Sa cũng đã cố gắng và dần quen với công việc của mình. “Giờ đã quen với công việc, nhìn các em tiến bộ từng ngày tôi xem đó như một động lực để tiếp tục đến trường giảng dạy cho các em”, cô Sa tâm sự. |
“Việc học sinh tiến bộ, hòa nhập với cộng đồng phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân các em. Phần còn lại là sự dạy dỗ, kèm cặp và nỗ lực của giáo viên, gia đình. Để làm được điều này, giáo viên cần có lòng nhiệt huyết với nghề, phải có tình yêu thương trẻ, kiên trì và đặc biệt là sẵn sàng chia sẻ như là một người bạn để các em không còn tự ti với tình trạng bệnh của mình”, cô Sa nói và cho biết, ngoài kiến thức, ở trung tâm các em còn được dạy kỹ năng tự phục vụ mình từ những điều đơn giản nhất như tự vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo… |
Ngoài dạy văn hóa, khi các em học sinh đủ 14 tuổi sẽ được chuyển sang lớp học nghề theo nguyện vọng, khả năng của bản thân mình. |
Đa số, các em học sinh đều theo lớp học may. Bởi việc học may phù hợp và sau khi tốt nghiệp đều có các cơ sở, công ty đến nhận các em vào làm việc, mang lại thu nhập ổn định. |
Cô Đỗ Thị Trang – Chủ nhiệm lớp dạy nghề May 1 cho hay, để các em hiểu và tiếp thu được, giáo viên phải dạy kỹ lý thuyết rồi mới đến phần thực hành. |
Ngoài dạy chung cả lớp, cô Trang phải dành nhiều thời gian đến tận từng em học sinh để hỏi và trao đổi. Nếu các em chưa hiểu sẽ được cô Trang tận tình chỉ bảo bằng cả lời nói và những ký hiệu chuyên biệt. |
Gần 11 năm giảng dạy tại trung tâm, cô Trang đã nhiều lần gặp phải tình huống bất ngờ khi học sinh đột ngột phát bệnh. May mắn, nhờ sự hỗ trợ của các giáo viên và nhân viên y tế trong trung tâm, các em học sinh cũng ổn định sức khỏe mỗi khi phát bệnh. “Sau những lần đó, tôi phải trang bị thêm kỹ năng để xử lý. Đầu buổi học tôi kiểm tra trong cặp các em ngăn nào đựng đồ dùng cá nhân, ngăn nào đựng thuốc để có thể xử lý ngay”, cô Trang nói. |
Những em học sinh miệt mài thực hành may sau khi được cô Trang hướng dẫn. |
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An cho biết, hàng năm các cơ sở, công ty may đều đến trung tâm để nhận học sinh về làm việc sau khi tốt nghiệp. Có hơn 70% các em học sinh có việc làm ngay sau khi ra trường. Việc dạy nghề đã mở ra một cánh cửa tương lai tươi sáng cho các em, giúp các em có nghề nghiệp, mang lại thu nhập ổn định phục vụ cuộc sống cho các em. |
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/nhung-giao-vien-tham-lang-o-ngoi-truong-dac-biet-post1692949.tpo