Giấy tờ đất thất lạc khó hiểu

Khiếu kiện về tranh chấp đất đai không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, có những vụ việc mà qua thụ lý, chính các cấp tòa cũng rất khó để đưa ra quyết định cuối cùng.

Tranh cãi nhiều năm

Vụ án dân sự về “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)” giữa nguyên đơn – ông Võ Minh Chiến và bị đơn – bà Nguyễn Thị Đào (cùng ngụ tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) là một ví dụ cụ thể.

Vụ án này xem như đã kết thúc. Ngày 12-11-2024, cơ quan chức năng đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao hôm 24-4-2024 và bản án của TAND tỉnh Cà Mau xét xử vào tháng 3-2021.

Trước đó, ngày 13-6-2024, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau đã ký quyết định thi hành án theo yêu cầu. Theo đó, bà Đào và những người liên quan buộc phải di dời nhà cửa, công trình… trên diện tích hơn 415 m2 để trả lại cho ông Chiến.

Giấy tờ đất thất lạc khó hiểu- Ảnh 1.

Thửa đất số 334 được cho là đã chuyển nhượng từ năm 1993 nhưng trong sổ mục kê ruộng đất năm 1995 vẫn ghi rõ là của bà Nguyễn Thị Đào

Ông Chiến cho biết năm 2002, ông chuyển nhượng phần đất này (có sổ đỏ) cho người khác nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Năm 2008, khi bà Đào cất nhà trên phần đất này, ông Chiến yêu cầu chính quyền giải quyết nhưng không được. Ông Chiến cho hay nguồn gốc phần đất này là mua lại từ vợ chồng ông Trần Văn Lợi năm 1993. Vợ chồng ông Lợi đã sang Úc định cư từ năm 1995.

Trong khi đó, bà Đào thông tin từ năm 2008, lúc cất nhà và phát hiện phần đất này đã được cấp sổ đỏ cho ông Chiến, bà đã khởi kiện UBND TP Cà Mau, đề nghị hủy bỏ quyết định cấp sổ đỏ. Lý do, theo bà Đào, là phần đất này nằm trong số 24.000 m2 đất do vợ chồng bà khai phá từ năm 1960, đã được cấp sổ đỏ tạm thời (còn gọi là “giấy tấc đất tấc vàng”) năm 1993 nhưng hiện thất lạc. Gia đình bà vẫn quản lý và sử dụng đất liên tục; chính quyền cũng chưa có bất kỳ quyết định nào thu hồi hay hủy bỏ quyền sử dụng đất của gia đình bà.

Bà Đào khẳng định không hề có việc chuyển nhượng cho ông Trần Văn Lợi vào năm 1993 để ông này chuyển nhượng lại cho ông Chiến. Vì thế, đến năm 1995, sổ mục kê ruộng đất đo đạc của địa phương vẫn thể hiện rõ bà là người sử dụng và đóng thuế (thửa đất số 334), cho tới khi xảy ra tranh chấp.

Bà Đào đề nghị phía nguyên đơn – ông Chiến trưng ra bằng chứng pháp lý chứng minh việc bà đã chuyển nhượng phần đất này vào năm 1993. Kể cả khi bà có chuyển nhượng vào ngày 6-8-1993 (như ông Chiến trình bày) thì thời điểm này, việc chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh (theo Luật Đất đai 1987) bằng văn bản. Vậy những văn bản này tại sao không được cơ quan chức năng lưu giữ? Chưa kể, nếu đã chuyển nhượng thì vì sao chỉ sau đó 5 ngày (tức 11-8-1993), bà lại còn được chính quyền cấp “giấy tấc đất tấc vàng” mà mặt sau vẫn ghi rõ “nghiêm cấm việc mua bán”?

Vì sao “biến mất”?

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau xét xử vào năm 2021 đã tuyên nguyên đơn thắng kiện, bác đề nghị của bà Đào về việc hủy quyết định cấp sổ đỏ cho ông Chiến.

Theo bản án, ngoài lời trình bày của vợ chồng ông Lợi là có mua thửa đất từ bà Đào để sau đó chuyển nhượng cho ông Chiến, UBND TP Cà Mau cũng xác định là có việc chuyển nhượng này nhưng các giấy tờ liên quan đã thất lạc.

Việc các giấy tờ liên quan – nếu có thật – hiện không lưu giữ ở bất kỳ cơ quan quản lý đất đai hay cấp chính quyền nào của tỉnh Cà Mau đã tạo ra một tình huống pháp lý đặc biệt.

Đến tháng 8-2022, sau khi bà Đào kháng cáo, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xử phúc thẩm và tuyên không chấp nhận đề nghị của ông Chiến. Cơ sở để tòa tuyên án là không có căn cứ chứng minh việc chuyển nhượng từ bà Đào qua ông Lợi; việc cấp sổ đỏ cho ông Chiến cũng không đủ căn cứ.

Vụ án vẫn chưa khép lại vì ông Chiến đề nghị xem xét bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. TAND Tối cao sau đó ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 4-2024, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử và quyết định hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong vụ việc này, dù diện tích đất tranh chấp không lớn nhưng các cấp tòa án phải vất vả vào cuộc. Dù cấp xét xử cao nhất đã có phán quyết nhưng vấn đề vì sao một số tài liệu liên quan việc chuyển nhượng thửa đất này bỗng dưng “biến mất” khỏi hồ sơ lưu trữ về biến động đất đai thì khó ai có thể trả lời. Những giấy tờ này thất lạc vì sơ suất trong quản lý hay vì lý do nào đó, khiến các căn cứ pháp lý cho việc cấp sổ đỏ vẫn không thực sự thuyết phục. 

Dù cho biết sẽ tôn trọng và tuân thủ pháp luật song ông Dương Kiên Bảo – con trai, đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Đào – khẳng định vẫn tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại bản án để bảo đảm “thấu tình đạt lý” và “bảo toàn danh dự” cho người mẹ.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/giay-to-dat-that-lac-kho-hieu-196241122203223438.htm