Hai vấn đề cần làm rõ vụ máy bay không người lái khiến người đi xe máy tử vong

Hơn 7 giờ sáng 20-11, ông T. (49 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) chạy xe máy đi giăng lưới về đến đoạn đường kênh 15 thuộc ấp Hiệp Trung thì bất ngờ va chạm vào máy bay không người lái.

Hai vấn đề cần làm rõ vụ máy bay không người lái khiến người đi xe máy tử vong- Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc.

Đây là máy bay (drone) xịt thuốc bảo vệ thực vật do ông L. (29 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp Sơn) điều khiển. Sự việc khiến ông T. bị cánh quạt máy bay chém vào đầu và cổ, bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang nhưng không qua khỏi.

  • Máy bay không người lái khiến người đi đường tử vong

Sự việc đến nay nhận được sự quan tâm của dư luận. Đồng thời đặt câu hỏi về việc quản lý thiết bị này.

Liên quan tai nạn trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự, đã đưa ra những nhận định.

Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, đầu tiên, cơ quan chức năng cần điều tra xác định lỗi thuộc về ai. Cụ thể, tính hợp pháp của drone là có giấy phép bay không? Hoạt động có tuân thủ quy định về độ cao, khu vực được phép bay hay không?

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố trên có phải drone có bị mất kiểm soát hay do lỗi kỹ thuật, thời tiết, lỗi người điều khiển? Drone đã được bảo trì, kiểm tra an toàn định kỳ chưa? Hoặc yếu tố bất khả kháng có ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như gió mạnh, điều kiện thời tiết xấu?

Thứ hai, xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Tùy thuộc vào tính chất mức độ hậu quả của hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt hành chính, hình sự hay dân sự.

Theo Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì sẽ phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nhưng không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

Nếu hành vi của người điều khiển drone dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người (điều 128 Bộ luật Hình sự).

Ngoài ra, người điều khiển drone hoặc chủ sở hữu drone phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm căn cứ theo tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm chi phí mai táng, các chi phí thiệt hại khác và bồi thường tổn thất tinh thần tối đa 100 lần mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết.

Trường hợp nếu tai nạn do lỗi kỹ thuật của drone thì nhà sản xuất hoặc đơn vị bảo trì có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 khi cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này là cung cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn.

“Để hạn chế các vụ việc tương tự cần tăng cường quản lý và cấp phép, siết chặt các quy định về quản lý máy bay không người lái, quy định chặt chẽ về độ cao, khu vực bay và điều kiện cấp phép cho người vận hành. 

Bắt buộc các thiết bị drone phải được kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn kỹ thuật. Cần đào tạo và nâng cao ý thức người điều khiển drone. Việc kết hợp giữa trách nhiệm cá nhân, tổ chức và sự giám sát của cơ quan chức năng, mới có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra những sự cố tương tự” – luật sư Đào Thị Bích Liên nói.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/hai-van-de-can-lam-ro-vu-may-bay-khong-nguoi-lai-khien-nguoi-di-xe-may-tu-vong-196241126125929408.htm