Hành trình sinh con của hà mã ở vườn thú Hà Nội

Cuối tháng 12/2023, vườn thú Hà Nội tiếp nhận hà mã cái do vườn thú Đại Nam trao tặng, nâng tổng số thành viên lên ba. Hà mã được chăm sóc, phát triển khỏe mạnh. Đến tháng 6/2024, nhân viên vườn thú phát hiện bầu sữa nó phình to.

Hà mã mới sinh hiện đã nặng khoảng 100 kg. Ảnh: Việt An

Ông Phạm Ngọc Anh, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi voi – hà mã thuộc Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển động vật số 1, kể: “Hà mã mang thai khiến chúng tôi rất bất ngờ bởi khi tiếp nhận không ai biết. Vườn thú Hà Nội không có hà mã đực”.

Từ khi biết tin, cả tổ háo hức xen lẫn lo lắng bởi lần đầu tiên có hà mã mang thai ở vườn thú Hà Nội. Đơn vị đã lắp camera, cắt cử người theo dõi “nhất cử, nhất động” của hà mã. Mọi trạng thái của nó được ghi lại trong sổ nhật ký.

Chế độ dinh dưỡng của hà mã cũng thay đổi, tăng thêm một bữa ăn vào buổi tối, lượng thức ăn hàng ngày tăng gấp rưỡi. Thức ăn chủ yếu là cỏ voi, các loại củ quả, vitamin dạng viên.

Ngày 23/7, đúng hôm Hà Nội mưa lớn do ảnh hưởng của bão Prapiroon, hà mã trở dạ. Nước hồ nơi nuôi thả bị ngập. Tổ phải cử người mặc áo mưa đứng theo dõi, bơm bớt nước chỉ giữ vừa đủ cho nó thuận lợi sinh con.

Hà mã đầu tiên được sinh ra ở Hà Nội

 
 
Hà mã đầu tiên được sinh ra ở Hà Nội

Hà mã con đầu tiên được sinh ra ở vườn thú Hà Nội. Video: Lộc Chung – Đỗ Nam

Theo ông Anh, bình thường người chăm sóc sẽ nhận biết thời điểm sắp sinh của hà mã thông qua triệu chứng như: bỏ ăn, ít vận động, phá chuồng, bụng to lên và bầu sữa căng ra. Tuy nhiên, với hà mã tiếp nhận từ vườn thú Đại Nam, mọi biểu hiện đều không quá rõ ràng.

Trước sinh khoảng một tiếng, hà mã mẹ lăn lộn nhiều vòng trong bể nước. Tới khi thấy hà mã con nổi lên mặt nước, bác sĩ, nhân viên thở phào vì quá trình sinh nở kéo dài hai giờ đã thành công. Thành viên mới là con đực, nặng 20 kg.

“Hà mã sinh con dưới nước hoàn toàn tự nhiên, không có bất cứ tác động nào”, ông Anh nói. Cá thể con chủ yếu sử dụng sữa mẹ nên việc chăm sóc cũng không quá vất vả, quan trọng nhất vẫn là vệ sinh, tẩy trùng khu chuồng trại.

Hàng ngày nước trong bể được thay để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhân viên vườn thú đã bổ sung dinh dưỡng cho hà mã mẹ, đặc biệt là vitamin khoáng chất để tăng sức đề kháng và tạo nguồn sữa tốt nhất nuôi con.

Hà mã con rất quấn mẹ. Ảnh: Việt An

Sau hơn ba tháng, hà mã con đã nặng 100 kg và chưa ăn gì ngoài bú mẹ. “Nó thích nghi rất tốt, hoạt bát và rất quấn mẹ”, ông Anh kể.

Hàng ngày, Tổ chăn nuôi voi – hà mã gồm 11 nhân viên, trong đó có một bác sĩ thú y, thay phiên nhau chăm sóc 4 con hà mã trong vườn thú. Sắp tới, vườn thú sẽ tổ chức cuộc thi đặt tên cho con mới sinh.

Hà mã là một trong những loài thú có vú trên cạn lớn nhất và là động vật móng guốc chẵn nặng nhất. Con đực trưởng thành có thể nặng 4,5 tấn, con cái 1,3-1,5 tấn, tuổi thọ 40-50 năm. Thời gian mang thai khoảng 240 ngày.

Hà mã ăn khỏe, ở môi trường sống hoang dã, con trưởng thành có thể tiêu thụ tới 40-50 kg cỏ nước mỗi ngày.

Việt An

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/hanh-trinh-sinh-con-cua-ha-ma-o-vuon-thu-ha-noi-4812867.html