Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12, quy tụ hơn 80 gian hàng với rất nhiều món đặc sản của Hà Nội, 8 địa phương khác trong nước (Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình) và 16 đại sứ quán như Ấn Độ, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Pháp…
Khu vực gây chú ý nhất trong lễ hội lần này là không gian “Phở số Hà thành”, nơi robot thông minh tham gia phục vụ phở cho thực khách.
Trong khuôn khổ lễ hội, toạ đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Phở Hà Nội” đã được tổ chức ngày 1-12.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, chia sẻ đây là hoạt động quan trọng, nhấn mạnh vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Phở Hà Nội”.
“Đi đâu về đâu, người Việt đều tự hào có những món ăn truyền thống, ngon miệng, thể hiện văn hoá, ẩm thực của quốc gia nói chung, Hà Nội nói riêng. Việc Bộ VH-TT-DL ghi danh Phở Hà Nội là di sản văn hoá phi vật thể là bước tiến, khẳng định thêm một lần nữa ẩm thực Hà Nội không chỉ được người Việt Nam mà cả quốc tế ghi nhận. Vì vậy, việc truyền thông di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Phở Hà Nội quan trọng với cơ quan báo chí truyền thông cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng” – ông Nguyễn Thành Lợi nói.
Theo các chuyên gia, quá trình hình thành món Phở là sự sáng tạo của nhiều người, của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chú tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, cho biết: “Chúng ta không biết phở bắt đầu nguồn gốc từ đâu và bây giờ vẫn còn tranh luận; chỉ cần nhớ rằng phở là một sáng tạo của người Việt từ rất lâu và sự sáng tạo phở đó tạo thành một đặc trưng rất đặc biệt ở Hà Nội. Vì thế, Phở Hà Nội rất nổi tiếng”.
“Phở Sướng”, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng của Hà Nội có từ năm 1930. Thời gian đầu, ông Nguyễn Văn Tỵ, người sáng tạo ra thương hiệu phở “phở Sướng”, làm phở gánh ở các phố Hàng. Sáng sớm, ông gánh phở đi bán, chiều tối mới đi thu bát, thu tiền. Ông làm việc rất miệt mài nhưng đến năm 1956 vì khó khăn nên cụ phải dừng bán.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Mười, người thực hành di sản, chủ cửa hàng phở Sướng: “Đến năm 1985, mẹ tôi mới tập trung con cái để làm tiếp nghề gia truyền của cha ông để lại. Từ đó, chị em tôi kết hợp làm ăn trong 40 năm. Anh chị em nhà tôi đặt tên là phở Sướng vì ăn phở xong phải sướng, phải thấy ngon” – bà Mười chia sẻ.
Cùng với phở bò, phở đặc trưng truyền thống ở Hà Nội còn có phở gà. Anh Nguyễn Thế Hiếu là đời thứ 3 của phở gia truyền mang tên “Phở Chí” (chuyên phở gà) cho biết: “Ban đầu, ông tôi là tiểu thương buôn bán gia vị phở chứ chưa bán phở. Phải đến thời Pháp thuộc, ông mới bắt đầu với nghề phở. Khởi nghiệp của ông với nghề là những năm sau giải phóng, ông vào làm tại nhà hàng Tân Việt ở phố Huế và phụ trách món phở. Sau này, ông mới tách ra bán phở tại vỉa hè. Những năm 1985, bố tôi tiếp quản. Và đến 1996, tôi nối nghiệp của ông nội và bố. Đến nay, con trai tôi cũng tham gia cùng làm phở và là đời thứ 4”.
Với nhiều người dân Hà Thành, phở Hà Nội gắn liền với những kỷ niệm, ước mơ thời thơ ấu. Trước đây chủ yếu được bán như là một món ăn đường phố bán rong vỉa hè, với những hàng phở gánh, một đầu gánh là chiếc chạn con đựng bát đũa, các lọ gia vị và có ngăn kéo đựng bánh phở, thịt bò.
Hiện nay, phở đã có nhiều biến tấu đa dạng: phở trộn, phở tái, phở sốt vang, phở cuốn… Mặt khác, phở xuất hiện nhiều hơn tại nhà hàng khách sạn sang trọng cũng như lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong cả nước và quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức phở, phở ăn liền ra đời, đã được chế biến đóng gói với mùi vị gần giống với phở tươi, tạo sự thuận tiện cho người sử dụng.
Từng nấu “phở Hà Nội” cho các chính khách và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng đến Hà Nội. Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Khi tôi tiếp các vị khách quốc tế, lãnh đạo cấp cao của các nước thưởng thức phở, họ rất bất ngờ với món ăn này, họ đánh giá món ăn này là một sự kết hợp hoàn hảo. Ẩm thực Phở Hà Nội rất đặc sắc, và đánh giá món phở là một món ăn sáng tạo của Việt Nam, sự kết hợp các loại gia vị hài hòa, tinh tế”.
Đến từ TP HHCM, nghệ nhân Bùi Thị Sương cho biết thường giới thiệu ẩm thực Việt Nam trong các chuyên đi nước ngoài. “Phở là món đầu tiên chúng tôi mang đi giới thiệu ở thị trường châu Âu, châu Úc… Trước đây người ta thường dùng tiếng Anh để gọi phở là súp – Beef Nodle Soup, và giờ tất cả các nước đều đề rõ là Phở (Pho), chúng tôi cảm thấy rất tự hào”- nghệ nhân Bùi Thị Sương bày tỏ.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/hao-huc-trai-nghiem-pho-so-ha-thanh-do-robot-thong-minh-phuc-vu-196241201170014792.htm