Hậu phương người lính – điều chưa kể – Kỳ 6: Thay chồng khoác áo ‘Bộ đội Cụ Hồ’

Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ' ảnh 1
Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20 thăm hỏi, động viên gia đình Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh – vợ liệt sĩ Bùi Văn Kim.

Hạnh phúc dang dở

5 năm sau ngày liệt sĩ Bùi Văn Kim hy sinh, với hy vọng thời gian sẽ xoa dịu, làm vơi bớt nỗi đau của người ở lại, tôi tới Tiểu đoàn Đặc công 20 tìm gặp vợ anh là Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh, hiện là nhân viên văn hóa của Tiểu đoàn bộ. Trước sự ra đi anh dũng của chồng, chị đã vững vàng, kiên cường hơn để tiếp tục thay chồng khoác áo “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ngày học cấp 3, chị Sinh thường ra phụ mẹ ở cửa hàng tạp hóa gần Tiểu đoàn Đặc công 20. Anh Kim khi đó là Chính trị viên Đại đội 33 của Tiểu đoàn và thường đến mua hàng. Từ đó họ quen biết nhau và khi chị Sinh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn (Đại học Bình Dương) trở về, hai người chính thức hẹn ước trăm năm. Đầu năm cưới, cuối năm 2015 họ chào đón cậu con trai đầu lòng, ba năm sau thêm một cô con gái xinh xắn ra đời. Hạnh phúc nở rộ, nhân lên gấp bội trong căn phòng nhỏ chật chội thuộc khu tập thể quân nhân của đơn vị.

Thời điểm ấy, chị Sinh chưa có việc làm, một nách hai con nên chỉ ở nhà quanh quẩn cơm nước, thỉnh thoảng phụ bố mẹ bán hàng. Một suất lương của anh Kim vừa lo cho gia đình 4 người, vừa hỗ trợ bố mẹ đẻ quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang thường xuyên đau ốm. Giật gấu vá vai tháng nào cũng thiếu, song hai vợ chồng vẫn động viên nhau cùng cố gắng.

Thương các con vất vả, bố mẹ chị Sinh cho hai vợ chồng mượn căn nhà nhỏ cấp 4. Vừa mừng, vừa lo, anh Kim vay mượn khắp nơi để sửa sang lại ngôi nhà để “có thể ở được” rồi chuyển cả nhà từ khu tập thể của đơn vị sang đây. Trong căn nhà cũ kỹ, chừng 40m2, tường vôi quét vội, đồ đạc sơ sài, không có gì giá trị ngoài bộ bàn ghế được tặng nhân ngày tân gia, trong buồng là chiếc giường cũ mua từ ngày cưới… Dọn sang nhà mới được chừng hai tháng thì anh Kim hy sinh.

Hai năm yêu, bốn năm tình nghĩa vợ chồng, Đại úy Kim ra đi mang theo bao lo toan, trăn trở bởi chưa trọn vẹn chữ hiếu, chữ tình, còn với người ở lại là nỗi đau thương, mất mát của người vợ trẻ, con thơ và bố mẹ hai bên nội, ngoại không gì bù đắp nổi. Ngôi nhà vừa bén hơi người, mới hôm nào tấp nập mừng tân gia, nay chìm trong tang thương, mất mát.

Trung úy Sinh vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh đau đớn ấy, nó như mới diễn ra ngày hôm qua và mỗi khi nhớ đến nó như xé toang lồng ngực chị. Ngước mắt lên ban thờ, nơi có tấm ảnh chồng và tấm bằng Tổ quốc ghi công, giọng chị như nghẹn lại: “Anh Kim hy sinh khi gia đình em đang ở những ngày tháng hạnh phúc nhất. Lúc ấy, con trai lớn mới lên bốn và con gái chừng tuổi rưỡi. Khi nhận tin anh ấy hy sinh, trời đất như sụp đổ. Sáng hôm đó, anh ấy còn gửi cho em hình ảnh cùng anh em chuẩn bị nhảy dù, hẹn tối sẽ về với ba mẹ con và hứa đưa các con đi chơi Trung thu sớm, vậy mà, anh ấy mãi lỡ hẹn với em và các con”.

Năm nay mới 9 tuổi, song cậu bé Bùi Bảo Quốc – con trai đầu lòng của vợ chồng Đại úy Kim và Trung úy Sinh dường như đã trưởng thành hơn so với tuổi. Không chỉ tự giác giúp mẹ việc nhà, Quốc còn giúp mẹ trông em, động viên mẹ mỗi khi thấy mẹ rơi nước mắt…

Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ' ảnh 2
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh đưa hai con tới trường.

“Tôi sẽ thay chồng vừa làm mẹ, vừa làm cha và báo hiếu với bố mẹ hai bên nội ngoại. Tôi sẽ bước tiếp con đường mà chồng mình lựa chọn một cách vững vàng, cứng cỏi để nuôi dạy các con nên người, nhất là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phụ sự quan tâm của đơn vị và sự hy sinh của anh ấy”.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp NGUYỄN THỊ SINH

Vững vàng bước quân hành

Từ khi tiếp bước quân hành của chồng, một ngày của Trung úy Nguyễn Thị Sinh thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, đưa các con đến trường, chị luôn có mặt tại đơn vị trước 7 giờ để giao ban và bắt đầu công việc ngày mới. Là nhân viên văn hóa của đơn vị, chị vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, đầy đủ những vật tư công tác Đảng, công tác chính trị được cấp phát vừa phụ trách phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn.

Ngày mới nhận nhiệm vụ, Trung úy Sinh khá lo lắng, băn khoăn để vừa làm quen với môi trường mới, vừa nghiên cứu kiến thức để vận dụng phù hợp vào đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ đơn vị. Không chỉ vậy, chị còn tìm hiểu thêm sách báo, internet và học ở đồng chí, đồng đội để sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, ưu tiên cho công việc cần làm trước và tập trung thời gian cho những việc quan trọng. Những khó khăn, vất vả trong cuộc sống khiến chị phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi.

Nhờ đó, phòng Hồ Chí Minh của đơn vị không chỉ là nơi đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu, xem phim đơn thuần mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu kết nghĩa, sinh nhật đồng đội, kết nạp Đảng… thu hút đông đảo cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan – chiến sĩ trong Tiểu đoàn tham gia.

Trung úy Sinh tâm sự, kể từ khi tuyển dụng vào Quân đội, hằng ngày làm việc bên đồng đội của chồng, chị thấy mình được an ủi phần nào và cảm nhận có bóng dáng người chồng thân yêu luôn dõi theo, che chở. Nhất là những khi đi qua khu nhà công vụ – nơi chứng kiến bao kỷ niệm của hai vợ chồng, Sinh lại bồi hồi thổn thức bởi đây chính là nơi chứng kiến những tháng ngày hạnh phúc nhất của họ.

Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ' ảnh 3
Hai vợ chồng Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh.

Chồng mất khi hai con còn quá nhỏ, lại sát tuổi nhau. Khó khăn chồng chất, như thử thách sự kiên trì của chị, bởi khi chồng vừa hy sinh hơn một năm, thì bố đẻ của Trung úy Sinh cũng qua đời do mắc bệnh ung thư.

Nỗi đau liên tiếp, khiến ngôi nhà nhỏ vốn đã thiếu vắng đàn ông, dường như càng thêm trống vắng, cô quạnh bởi chỉ còn lại phụ nữ, trẻ con. Mới đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), cả xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên – nơi gia đình Trung úy Sinh đang sinh sống chìm trong biển nước. Dù đã đưa con sang trú ở nhà mẹ đẻ, nhưng nước ngày một dâng cao, khiến mấy mẹ con, bà cháu chỉ biết bất lực nhìn nước tràn vào, đồ đạc ngổn ngang…

“May sao, đúng lúc nguy cấp nhất thì chỉ huy Tiểu đoàn Đặc công 20 đã có mặt kịp thời, phân công cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ gia đình tôi trong và sau bão”, Trung úy Sinh chia sẻ…

(Còn nữa)

Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/hau-phuong-nguoi-linh-dieu-chua-ke-ky-6-thay-chong-khoac-ao-bo-doi-cu-ho-post1697947.tpo