HLV Kim Sang-sik nên cẩn thận chuyện ‘bó đũa’ ở U.22 Việt Nam!

Chuyện bó đũa của U.22 Việt Nam

U.22 Việt Nam khép lại giải giao hữu quốc tế tại Trung Quốc với thành tích đáng khen, dù chỉ giành hạng ba chung cuộc. Học trò của quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh hòa U.22 Hàn Quốc và U.22 Trung Quốc trong thế dẫn bàn, cũng như chia điểm với U.22 Uzbekistan. 

Nếu trọng tài công tâm hơn ở trận gặp U.22 Trung Quốc, Nguyễn Quốc Việt cùng đồng đội đã có thể lấy trọn 3 điểm và vô địch.

HLV Kim Sang-sik nên cẩn thận chuyện 'bó đũa' ở U.22 Việt Nam!- Ảnh 1.

U.22 Việt Nam khép lại giải giao hữu ở Trung Quốc với 3 trận hòa

ẢNH: VFF

Quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh khẳng định, U.22 Việt Nam đã tiến bộ về tâm lý, cùng khả năng tổ chức chiến thuật, giữ cự ly đội hình và điều tiết nhịp độ chơi bóng. Đây là bước đệm tốt cho vòng loại U.23 châu Á 2026 và SEA Games 33, diễn ra vào cuối năm nay.

Nhưng, vẫn có cạm bẫy đang chờ U.22 Việt Nam. 

Câu chuyện bó đũa kể rằng từng chiếc đũa có thể dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng khi tạo thành bó đũa thì không. U.22 Việt Nam đang là (hoặc hướng tới trở thành) một bó đũa, tức là một tập thể khó bị đánh bại. 

Tuy nhiên, cần hiểu rằng U.22 Việt Nam không chỉ được xây dựng để trở thành một bó đũa, mà còn phải tìm ra những cây đũa chất lượng. Bởi U.22 Việt Nam không phải đội bóng được thành lập chỉ để “săn” thành tích, mà còn cung cấp những nhân tố giỏi cho đội tuyển quốc gia. 

Quá khứ đã chứng minh, U.22 Việt Nam có thể trở thành tập thể mạnh dù không có nhiều nhân tố hay. Chiến thuật hợp lý có thể khỏa lấp phần nào thiếu sót cá nhân. Như ở vòng chung kết U.23 châu Á 2022, các cầu thủ trẻ Việt Nam từng hòa 1-1 trước Hàn Quốc, sau đó đoạt vé đến tứ kết. 2 năm sau, U.23 Việt Nam tiếp tục lọt đến tứ kết U.23 châu Á. 

HLV Kim Sang-sik nên cẩn thận chuyện 'bó đũa' ở U.22 Việt Nam!- Ảnh 2.
HLV Kim Sang-sik nên cẩn thận chuyện 'bó đũa' ở U.22 Việt Nam!- Ảnh 3.

Các cầu thủ U.22 Việt Nam có tiềm năng, nhưng cần cơ hội

ẢNH: MINH TÚ

Nhưng, có thành tích… rồi sao nữa? Mục tiêu quan trọng nhất của U.22 Việt Nam vẫn phải là mài giũa người giỏi cho đội tuyển Việt Nam. Thành tích của đội tuyển quốc gia mới là điều quan trọng nhất, còn các giải trẻ chỉ đơn thuần là cuộc chơi để cầu thủ được “va đập”.

Lứa U.22 Việt Nam 4 năm trước gần như biến mất khỏi đội tuyển quốc gia. Tuấn Tài, Mạnh Dũng, Tiến Long, Văn Chuẩn, Văn Tùng… chật vật tìm chỗ đứng ở V-League và nằm ngoài “mắt xanh” của HLV Kim Sang-sik, dù nhóm cầu thủ này đã 24, 25 tuổi, đang ở độ đỉnh cao sự nghiệp. Như thế, có thể khen lứa cầu thủ từng hòa Hàn Quốc là thế hệ thành công hay không?

Lứa U.22 Việt Nam hiện tại thì sao? Dù hòa Hàn Quốc hay Uzbekistan, nhưng thực tế chỉ có 4 cầu thủ của lứa này được ông Kim Sang-sik gọi lên đội tuyển quốc gia (Thái Sơn, Lý Đức, Trung Kiên, Vĩ Hào). Và trong số này, chỉ Vĩ Hào từng được đá chính. 

Hẹp cơ hội thi đấu 

“Đừng gọi họ là cầu thủ trẻ”, Quang Hải chia sẻ ngắn gọn về các nhân tố U.22 ở đội tuyển Việt Nam. HLV Park Hang-seo cũng từng chung quan điểm này. 

Có lẽ chỉ ở châu Á, người ta mới định nghĩa U.22 là “lứa trẻ”. Đây là độ tuổi mà cầu thủ nào thực sự giỏi đã lên đội tuyển Việt Nam và có chỗ đứng ở V-League để tranh tài với đàn anh rồi, thay vì vẫn thi thố đá với nhau. 

Vậy nhưng trong đội hình mà quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh mang tới Trung Quốc, bao nhiêu cầu thủ có dấu ấn ở V-League. Câu trả lời là… không ai cả. Đa số chơi ở giải hạng nhì, hoặc đá cho các đội trung bình yếu ở V-League, với số trận đếm trên đầu ngón tay. 

“Cầu thủ trẻ Việt Nam có rất ít cơ hội thi đấu”, HLV Kim Sang-sik nhấn mạnh. Một cựu tuyển thủ quốc gia cũng đề xuất cần có cơ chế khích lệ các CLB trao cơ hội ra sân cho cầu thủ U.21. Nếu không, ngọc quý đến mấy cũng thành sỏi đá. 

HLV Kim Sang-sik nên cẩn thận chuyện 'bó đũa' ở U.22 Việt Nam!- Ảnh 4.

Viktor Lê gây ấn tượng

ẢNH: MINH TÚ

Tại sao ở lứa tuổi từ 16 đến 21, các cầu thủ Việt Nam không thua kém nhiều so với đồng nghiệp ở Hàn Quốc, Uzbekistan hay Úc. Nhưng từ tuổi 22 trở đi, khoảng cách lại là một trời một vực? 

Câu trả lời nằm ở môi trường thi đấu, phương pháp huấn luyện và cơ hội. Đôi khi, chúng ta chú tâm vào thành tích giải trẻ, mà quên đi rằng việc phát triển cầu thủ ra sao còn quan trọng hơn thế.

Những trận đấu tốt tại Trung Quốc đã chứng minh rằng quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh đang có trong tay một bó đũa. Song, các cầu thủ U.22 Việt Nam sẽ không đá cùng nhau mãi. Họ sẽ phải tách ra như những cây đũa riêng lẻ. 

Làm sao để những cây đũa ấy không dễ dàng bị bẻ gãy, là chặng đường còn dài mà bóng đá Việt Nam phải đi. 

Nguồn bài viết : https://thanhnien.vn/hlv-kim-sang-sik-nen-can-than-chuyen-bo-dua-o-u22-viet-nam-185250330123043127.htm