Khởi nghiệp bằng loại cây mọc ở hàng rào

Người đàn ông sinh năm 1989 lập tức bấm điện thoại gọi về cho vợ nói: “Đóng cửa quán cà phê đi, anh đã tìm ra con đường khởi nghiệp mới”.

Đó là năm 2021, Trần Bảo Huy vừa bỏ việc quản lý homestay tại Đà Lạt về Khánh Hòa mở quán cà phê. Nghe bạn bè nói cây xương rồng tai thỏ trang trí đẹp mắt, anh đi tìm mua.

“Người bán chỉ vào cây xương rồng mọc ở hàng rào trước cửa hỏi đúng giống này không rồi tiện tay vặt xuống nấu bữa tối”, Huy kể.

Anh không ngờ giống cây toàn gai này có thể ăn được và càng thích thú khi được giới thiệu các công dụng khác như điều trị xương khớp, tiểu đường.

Trần Bảo Huy bên vườn xương rồng tai thỏ 15 tuổi của một nhà dân ở Phú Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời còn là kỹ sư cơ khí làm cho một công ty Nhật Bản tại TP HCM rồi chủ homestay ở Đà Lạt, Huy đã muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp. Từng đi dọc miền Trung, chứng kiến nhiều nơi bị sa mạc hóa không cây nào sống nổi, Huy nghĩ xương rồng tai thỏ sẽ là cứu tinh của những vùng đất này. Tìm hiểu thêm anh còn biết loại cây này từng được trồng thí điểm tại Ninh Thuận làm thức ăn cho gia súc, nhưng dự án đổ bể vì không có đầu ra.

“Nguyên liệu tươi không cạnh tranh được thì chế biến thành thực phẩm”, Huy nói với vợ. Xem video thấy người dân ở Mexico chế biến xương rồng thành nước ép, muối chua, làm bánh… anh quyết định thử.

Đặt mua 3.000 gốc từ Phú Yên, Huy trồng tạm trên mảnh đất của cha mẹ. Thấy thằng con từng làm công ty nước ngoài, lương cả nghìn đô giờ bỏ việc về tìm cách trồng xương rồng – thứ cây vốn chỉ để làm hàng rào, bà Trần Thị Quệ “lo cháy ruột”, sợ đứa con trai út bị khùng.

Vợ chồng Huy tới Đà Lạt thuê 3.000 m2 trồng xương rồng, chuẩn bị nguyên liệu chế biến một số món như muối chua, làm nước ép. “Nhưng xương rồng muối chua thì nổi váng trắng, nhớt chảy dài, trong khi nước ép mùi vị không thể uống nổi”, Huy nhớ lại mẻ thử nghiệm đầu tiên.

Anh biết mình cần học về công nghệ thực phẩm nên mua sách về nghiên cứu, xem video hướng dẫn chế biến xương rồng của nước ngoài, Nhưng sau một năm mày mò, sản phẩm của Huy chỉ là thất bại nối tiếp thất bại.

Trần Bảo Huy và vợ thu hoạch xương rồng tai thỏ tại huyện Bác Ái, Ninh Thuận, tháng 11/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong khi đó vườn xương rồng ở Đà Lạt cứ chết dần vì bị ốc sên ăn trụi. Huy thử mọi cách ngăn ngừa, từ rải vôi bột cho đến rắc vỏ trứng nhưng được vài bữa mưa to lại trôi hết công sức.

Nhìn hàng nghìn cây xương rồng gục dần, vợ chồng anh bỏ Đà Lạt xuống Ninh Thuận gây dựng khu vườn mới.

Vùng đất họ chọn là Bác Ái, huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận với khí hậu bán sa mạc, đất đai khô cằn, thích hợp với xương rồng. Họ thuê mảnh đất rộng 3 ha, cắm xuống 5.000 cây mới. Bốn tháng sau xương rồng đã cho thu hoạch lứa đầu.

Huy dùng nguyên liệu tươi tiếp tục nghiên cứu làm muối chua với nước ép. Sau ba tháng, sản phẩm muối chua thành công. Lúc này, anh muốn mở một xưởng sản xuất nhỏ với quy trình khép kín và hiện đại.

Nhưng tại vùng đất với hơn 95% người dân tộc Raglai và Chăm, tìm cả tháng không thể thuê được xưởng phù hợp, chị Minh nản lòng, khuyên chồng từ bỏ để trở lại thành phố.

“Cho anh thêm hai năm nữa, nếu không thành công sẽ nghe theo em”, Huy hứa với vợ rồi tự viết bản cam kết.

Vài tuần sau họ tìm được một ngôi nhà mới xây, cách vườn hơn một km để làm xưởng. Huy mua thêm các loại máy sơ chế, máy ép, máy cắt nguyên liệu, thanh tiệt trùng về chế biến xương rồng muối chua rồi bán thăm dò trên trang cá nhân.

Sản phẩm vừa quen với thị trường, khi Huy muốn mở rộng thêm nhà xưởng thì chủ đòi lại nhà. Chủ vườn cũng ngỏ ý lấy lại đất. Công sức gần một năm của hai vợ chồng một lần nữa bỗng đổ sông đổ biển.

Cặp vợ chồng trẻ cắn răng đào hàng nghìn gốc xương rồng hì hụi chuyển về quê nhà Phú Yên. “Gai xương rồng đâm vào tay, mặt rồi khắp cơ thể nhưng không ai dám kêu ca, sợ bùng nổ cảm xúc”, Huy nhớ lại.

Sau cả tuần dọn vườn, hai vợ chồng đen nhẻm vì phơi nắng, có hôm cơm đưa lên miệng chẳng muốn nuốt vì thở không ra hơi. Nhưng cũng may cho họ là hợp khí hậu nên cây phát triển tốt, đủ nguyên liệu tiếp tục nghiên cứu làm nước ép.

Tháng 7/2023, những chai nước ép xương rồng đầu tiên thành công, bảo quản được một năm ở môi trường tự nhiên.

“Vui tới phát khóc”, Huy nhớ lại. “Hơn hai năm, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống mới thu được thành phẩm”.

Thành công với nước ép và muối chua từ xương rồng, người đàn ông này tiếp tục nghiên cứu làm trà túi lọc và tinh bột hỗ trợ chữa tiểu đường.

Đầu năm 2024, sau khi nhận được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Huy lập xưởng sản xuất, tung sản phẩm ra thị trường. Anh thu mua nguyên liệu từ một số tỉnh ven biển, đồng thời kêu gọi thêm 20 hộ dân ở Phú Yên trồng xương rồng tai thỏ cung cấp cho công ty.

Giữa năm 2024, các sản phẩm được chế biến từ xương rồng tai thỏ của Huy lọt vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp xanh – phát triển bền vững lần thứ 10 với quy mô toàn quốc.

Cùng với việc đẩy mạnh bán hàng, người nọ giới thiệu người kia, nước ép, trà túi cùng tinh bột xương rồng được biết đến nhiều hơn ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội.

Góc vườn xương rồng tai thỏ một năm tuổi của Trần Bảo Huy tại Phú Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chứng kiến chặng đường khởi nghiệp của Huy, anh Nguyễn Xuân Duy, giảng viên khoa công nghệ thực phẩm Đại học Nha Trang, Chủ nhiệm câu lạc bộ khởi nghiệp tỉnh Phú Yên nhận xét ở người đàn ông này có sự quyết tâm, bền bỉ hiếm người có được.

“Huy là người đầu tiên phát triển thực phẩm từ cây xương rồng tai thỏ không chỉ tại Phú Yên mà trên cả nước”, anh Duy nói và tin rằng cho dự án của Huy rất có tiềm năng phát triển thành mô hình sản xuất kinh doanh thương mại tại những vùng đất khô cằn khó trồng các loại cây khác.

Giờ thấy con trai xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, quảng bá sản phẩm chế biến từ xương rồng tai thỏ, bà Quệ không còn hỏi khi nào thằng út lên thành phố làm việc nữa.

Mỗi khi Huy gọi điện về hỏi thăm, người mẹ lại cười: “Trông khùng thế mà vẫn làm nên chuyện”.

Hải Hiền

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/khoi-nghiep-bang-loai-cay-moc-o-hang-rao-4812987.html