Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Trâu xịt nước hoa, dân ra sông đánh cá phục vụ khách

Phép màu từ du lịch nông nghiệp - Bài 2 - Trâu xịt nước hoa, dân ra sông đánh cá phục vụ khách - Ảnh 1.

Du khách thích thú khi thấy trâu thong dong trên đồng ruộng ở Hội An – Ảnh: B.D.

Trên tuyến đường từ Đà Nẵng dẫn vào trung tâm phố cổ Hội An dễ bắt gặp hình ảnh những “mục đồng” lớn tuổi đội nón cời, nằm vắt vẻo trên tấm lưng đen bóng của những chú trâu béo ú.

Cả trâu lẫn người không nhàn rỗi nghỉ ngơi mà đang làm một công việc rất quen thuộc: đón khách lên tour.

Những chú trâu thơm phức nước hoa làm du lịch nông nghiệp

Ông Nguyễn Năm, đội 1, Cẩm Châu (Hội An) nói rằng ông mua chú trâu, chăm sóc rồi mỗi sáng đưa ra đồng để làm du lịch.

Trâu thong dong gặm cỏ, ông đứng bên cạnh đón khách đến “tham quan”. Khách nước ngoài tỏ ra lạ lẫm với trâu. Họ cưỡi lên lưng chụp ảnh và mỗi lần như thế họ trả cho ông Năm ít nhất 10.000 đồng. Với công việc quá sức nhàn nhã, thong dong trên đồng, mỗi ngày cao điểm, ông Năm kiếm được trên dưới 1 triệu đồng.

  • Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Từ làng nghèo nhất thành làng giàu nhất Bali

Ở Hội An, không riêng ông Nguyễn Năm mà có chừng 5-7 chủ trâu làm công việc gắn với du lịch như vậy. Con trâu gắn với hình ảnh lam lũ, cực nhọc của nhà nông Việt Nam, nhưng ở đất du lịch như Hội An, trâu lại là sản phẩm du lịch.

Trâu không phải kéo cày, lội ruộng mà ngược lại được tắm bằng nước sạch, kỳ cọ cho lưng nhẵn bóng, xịt nước hoa thơm phức để bắt mùi với khách du lịch châu Âu.

Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Trâu xịt nước hoa, dân ra sông đánh cá phục vụ khách - Ảnh 2.

Du khách hào hứng học làm ruộng, cấy lúa tại tour của Công ty Jack Tran Tours Hội An – Ảnh: B.D.

Chuyện làm du lịch bằng trâu, ruộng đồng, sông nước khó nghèo bắt nguồn từ những doanh nghiệp du lịch “đời đầu” như Công ty Jack Tran Tours Hội An.

Ông Trần Văn Khoa, giám đốc công ty này nói rằng khi Hội An bùng nổ du lịch từ những năm được UNESCO vinh danh, nhận thấy “gu” khác biệt của khách quốc tế, ông và cộng đồng làm du lịch Hội An đã tận dụng những gì sẵn có.

“Từ những năm 2005, chúng tôi đã hợp tác với nhà nông ở Hội An để làm du lịch. Bà con cứ trồng lúa, cày cấy bình thường, khách tới thì hướng dẫn họ cày cuốc, cấy mạ, tát nước. Mọi thứ rất đơn giản vậy mà khách lại mê tít.

Đặc biệt, khi được ngồi trên lưng trâu, cầm đuôi trâu làm ruộng thì khách Tây sẵn sàng chi trả rất lớn. Họ thỏa mãn với những thứ mà chính chúng ta lại cho rằng đó là sự cơ cực, nghèo nàn” – ông Khoa nói.

Những “Tân Hóa, Thái Hải, Trà Quế” ẩn mình ở Việt Nam

Phép màu từ du lịch nông nghiệp - Bài 2 - Trâu xịt nước hoa, dân ra sông đánh cá phục vụ khách - Ảnh 3.

Rừng dừa Cẩm Thanh tấp nập du khách trải nghiệm tour sông nước – Ảnh: B.D.

Những ngày diễn ra Hội nghị quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam cuối tháng 12, những người dẫn chương trình nổi tiếng thế giới, các diễn giả về du lịch xanh, chuyên gia Tổ chức Du lịch thế giới khi được dẫn tới các vùng quê ở Hội An, Quảng Nam vô cùng bất ngờ.

Không chỉ đẹp, bình yên và đặc trưng bản địa, nhiều chuyên gia du lịch trên thế giới cũng trầm trồ trước cách làm du lịch chuyên nghiệp từ chính nhà nông Việt Nam.

Nằm trên một khoảng không gian chật hẹp, tổng diện tích chỉ chừng 40 héc ta, làng rau Trà Quế (Hội An) mỗi năm thu hút 20.000 lượt khách. Không phải may mắn mà Trà Quế vừa được công nhận trong danh sách “Làng du lịch tốt nhất thế giới 2024”.

  • Các trưởng làng du lịch tốt nhất thế giới về Quảng Nam chia sẻ cách làm du lịch ‘hái ra tiền’

  • Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói gì về ‘làng chạy’ thành làng du lịch tốt nhất?

  • Trà Quế Hội An nhận giải Làng du lịch tốt nhất năm 2024

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói rằng suốt 25 năm qua, Hội An đã quyết không cho phát triển đô thị để giữ lại cộng đồng làm rau ở Trà Quế.

Người dân với kiến thức canh tác truyền thống đặc trưng cùng các kỹ năng nông nghiệp được truyền qua nhiều đời đã tạo ra một vùng rau hữu cơ nức tiếng.

Giờ đây, dân Trà Quế trồng rau không chỉ để bán lấy tiền. Quan trọng hơn họ có thu nhập rất lớn từ việc đưa khách trải nghiệm quy trình trồng và chăm sóc rau.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng với một đất nước đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam, Trà Quế chỉ là một trong những nơi lưu giữ kho kiến thức canh tác, làm nông nghiệp lâu đời.

Cộng đồng địa phương với cuộc sống qua hàng trăm, ngàn năm đang tạo ra những tài nguyên du lịch riêng có, vô giá mà chỉ cần có cơ hội thì tất cả sẽ tỏa sáng, như câu chuyện của Trà Quế, Thái Hải, Tân Hóa – ba làng du lịch tốt nhất thế giới của Việt Nam tới nay.

Ông Trương Thanh Duẩn, chủ tịch xã Tân Hóa (Quảng Bình), nơi có câu chuyện làng du lịch tốt nhất thế giới Tân Hóa, chia sẻ rằng du lịch đã “cứu” một cộng đồng trên núi cao.

Từ chỗ thiếu đói triền miên, phải kéo nhau chạy vào hang đá tránh lũ, người dân Tân Hóa nay sống khỏe, mỗi năm tạo doanh thu 10 tỉ đồng nhờ du lịch.

Bà con không đi xa nữa, mà làm việc tại làng. Khách đến nườm nượp, các doanh nghiệp về đầu tư đón khách tạo ra bầu không khí sôi động.

Người Tày “ăn chung nồi cơm, tiêu chung một túi tiền”

Đứng trước hơn 300 diễn giả thế giới chia sẻ câu chuyện kỳ tích ở làng Thái Hải (Thái Nguyên), làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022, phó trưởng làng Nguyễn Quang Tuấn nói giờ đây người Tày ở làng không còn xấu hổ khi khoác vào mình bộ trang phục truyền thống.

Suốt 22 năm từ lúc thành lập làng, cái nghèo đói là nỗi ám ảnh của mỗi người dân. Tất cả chấm dứt khi chính quyền xuống hướng dẫn bà con giữ lại 40 nhà gỗ truyền thống, khôi phục các giá trị tốt đẹp, dọn dẹp chỉnh trang, làm mới cả bản thân mình để đón khách.

“Truyền thống người Tày chúng tôi là luôn dạy con cái mình lòng biết ơn. Chúng tôi biết ơn Chính phủ đã cho người Tày ở Thái Hải cơ hội đổi đời.

Bà con nay không ai xấu hổ khi mặc bộ trang phục truyền thống nữa, mà họ lại tự hào.

Người Thái Hải từ chỗ bỏ làng ra đi thì nay về lại cùng ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền. Mỗi ngày bắt đầu với chúng tôi không phải là phải làm việc, mà chúng tôi hạnh phúc vì được làm việc” – ông Tuấn nói.

Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Trâu xịt nước hoa, dân ra sông đánh cá phục vụ khách - Ảnh 4.Khám phá làng du lịch xanh thực hiện Net Zero

Nguồn bài viết : https://tuoitre.vn/ky-dieu-du-lich-nong-nghiep-trau-xit-nuoc-hoa-dan-ra-song-danh-ca-phuc-vu-khach-20241211154358619.htm