Làm cha sau nhiều năm vô sinh do ung thư tinh hoàn

PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vợ chồng anh Park Sungjin, 42 tuổi, mới đây gọi điện từ Hàn Quốc khoe con trai và con gái tròn 3 tháng tuổi, kháu khỉnh, khỏe mạnh. Cặp song sinh là thành quả của vợ chồng anh Park sau khi điều trị thụ tinh ống nghiệm tại IVF Tâm Anh.

Anh Park mắc dị tật tinh hoàn trái ẩn trong ổ bụng, đã phẫu thuật từ bé. Phần tinh hoàn này sau đó được phát hiện bị ung thư hóa, phải phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị ức chế các tế bào tăng sinh mới.

Anh kết hôn với chị Hiền 4 năm không có con. Các bác sĩ tại Hàn Quốc cho hay ung thư tinh hoàn và việc điều trị bệnh là nguyên nhân khiến tinh dịch không có tinh trùng gây vô sinh. Bác sĩ mổ bên tinh hoàn còn lại của anh Park, thu được lượng tinh trùng lớn để thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng chuyển phôi hai lần không thành. Vợ chồng trữ đông 25 tinh trùng, dự kiến nghỉ ngơi một thời gian sẽ IVF lần nữa để có con.

Đầu tháng 6/2023, anh Park về Việt Nam đến IVF Tâm Anh khám. PGS Lê Hoàng cho hay tinh hoàn phải của anh có hiện tượng teo nhỏ nhưng chưa xuất hiện nguy cơ ung thư. Kết quả X-quang phổi và các cơ quan khác chưa ghi nhận tế bào ung thư di căn. Bác sĩ chỉ định anh tiếp tục vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (micro-TESE) để IVF.

Xét nghiệm nội tiết của người vợ cho thấy ổn định nhưng bị viêm niêm mạc tử cung mạn tính. Đây là lý do khiến tử cung không thể đảm bảo chức năng cho phôi thai làm tổ, dẫn đến chuyển phôi thất bại nhiều lần. Ngoài ra, trứng của chị kém phát triển, trưởng thành không đồng đều.

PGS.TS.BS Lê Hoàng khám cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng trực tiếp thực hiện vi phẫu micro-TESE cho anh Park, ghi nhận tinh hoàn kích thước nhỏ, hầu hết ống sinh tinh đều thoái hóa nên cuộc mổ gặp thách thức. Mất gần hai giờ, bác sĩ mới tìm được một ống sinh tinh tiềm năng chuyển đến phòng lab. Chuyên viên phôi học sử dụng kính hiển vi đảo ngược phóng đại 200 lần xé mẫu mô, soi tìm được lượng tinh trùng đủ để trữ đông 2 ống.

Trong khi đó, chị Hiền được dùng thuốc điều trị khỏi tình trạng viêm niêm mạc tử cung và kích trứng theo phác đồ cá thể hóa. Song song quá trình vi phẫu cho chồng, bác sĩ chọc hút được 3 trứng trưởng thành từ buồng trứng người vợ. Số trứng non được nuôi trưởng thành trong môi trường nội tiết (kỹ thuật IVM), thu được 3 trứng tiếp tục phát triển, giúp chị tăng cơ hội có con.

Bác sĩ chọn tinh trùng đủ điều kiện tiêm vào bào tương trứng tạo phôi, nuôi cấy được 5 phôi chất lượng tốt. Chị Hiền được chuyển hai phôi vào tử cung, may mắn đậu song thai. Hai bé chào đời vào tháng 8/2024, nặng lần lượt 2,2 kg và 2,6 kg.

Bác sĩ IVF Tâm Anh mổ Micro-tese tìm tinh trùng cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Huy Hoàng, tình trạng tinh hoàn không di chuyển xuống bìu hay nằm lạc chỗ ở vị trí khác gây nguy cơ cao ung thư tinh hoàn. Nhiệt độ ở những vị trí khác cao hơn nhiệt độ trong bìu khiến tinh hoàn bị tổn thương, thoái hóa, tăng các đột biến. Ngay cả khi đã được phẫu thuật hạ tinh hoàn, nguy cơ ung thư hóa vẫn cao. Tế bào ung thư cũng có khả năng lan sang tinh hoàn còn lại và những bộ phận khác trong cơ thể. Những thay đổi về mô học trong tinh hoàn có khả năng ảnh hưởng đến tinh trùng, gây vô sinh nam.

Các phương pháp điều trị ung thư cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Chẳng hạn, nạo hạch bạch huyết có thể làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc phóng tinh, suy giảm đời sống tình dục và khả năng sinh con. Nếu chỉ cắt một bên tinh hoàn, nhưng kết hợp hóa xạ trị để phòng ngừa di căn như anh Park, nguy cơ vô sinh nam vẫn cao. Bên còn lại có khả năng tổn thương do bức xạ, dẫn tới suy giảm chức năng, các tế bào sinh tinh bị ức chế, khiến tinh dịch không có tinh trùng. Trường hợp nam giới ung thư cả hai bên tinh hoàn phải cắt bỏ hoàn toàn sẽ vô sinh vĩnh viễn.

Bác sĩ Huy Hoàng khuyến cáo nam giới trong độ tuổi 15-35 nên tự kiểm tra tinh hoàn để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Nếu sưng, cảm giác nặng ở bìu, đau âm ỉ bụng dưới, bẹn hoặc phát hiện có khối đặc bất thường, không đau cũng nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Trường hợp bị ung thư phải hóa xạ trị, người bệnh không nên có con trong vòng một năm sau khi kết thúc điều trị. Sau điều trị vô sinh hiếm muộn, nam giới có tiền sử tinh hoàn ẩn cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ ung thư.

Trịnh Mai

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/lam-cha-sau-nhieu-nam-vo-sinh-do-ung-thu-tinh-hoan-4817806.html