Trả lời:
Mộng du là tình trạng một người đi lại vô thức trong khi vẫn đang ngủ, thuộc nhóm chứng ngủ rũ (parasomnia) tức là những hành vi hoặc sự kiện không mong muốn xảy ra trong khi ngủ. Mộng du thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ N3, giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM).
Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn, hầu hết trẻ sẽ hết khi đến tuổi thiếu niên. Một người thỉnh thoảng mộng du thường không nghiêm trọng và không cần điều trị. Tuy nhiên, con của bạn bị mộng du thường xuyên, có thể là dấu hiệu rối loạn giấc ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn.
Mộng du có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là thiếu ngủ, căng thẳng, gián đoạn giấc ngủ. Trẻ em bị sốt cao hoặc thay đổi thói quen ngủ đột ngột, đi du lịch xa, thay đổi môi trường ngủ cũng dễ gặp tình trạng này. Một số bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn hô hấp khi ngủ, hội chứng chân không yên hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể là nguyên nhân. Sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần, lạm dụng rượu và chất kích thích làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có thể khiến mộng du nghiêm trọng hơn. Tình trạng này còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Ở người lớn, mộng du có thể xảy ra cùng với các rối loạn giấc ngủ khác, dễ nhầm lẫn.
Dù không quá nguy hiểm nhưng mộng du có thể gây chấn thương, gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến hành vi, học tập, làm phiền hoặc gây nguy hiểm cho người khác. Khi xảy ra thường xuyên, mộng du có thể dẫn đến mệt mỏi ban ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo y khoa, có nhiều phương pháp điều trị mộng du tùy vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng. Kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán các bệnh lý hay yếu tố nguy cơ gây ra mộng du, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Một số cách bao gồm theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh, điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn như rối loạn giấc ngủ hoặc tác dụng phụ của thuốc. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) góp phần kiểm soát căng thẳng – yếu tố kích thích mộng du.
Đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ chẩn đoán các rối loạn giấc ngủ ở trẻ em. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Để giảm nguy cơ mộng du, bạn nên hỗ trợ con vệ sinh giấc ngủ bằng cách duy trì lịch trình ngủ đều đặn, tạo không gian ngủ thoải mái, thư giãn, giảm áp lực học tập. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn nên đưa cháu đến gặp bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ để có phương pháp điều trị phù hợp. Bạn có thể cho con (từ 12 tuổi trở lên) bổ sung các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) để hỗ trợ tăng cường máu lên não, giảm căng thẳng thần kinh, giúp dễ ngủ, sâu giấc.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến
Trung tâm Thông tin Y khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/lam-the-nao-khoi-mong-du-4868540.html