Chiều 13-12, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức bế mạc Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, mong muốn qua Khóa tập huấn, mỗi học viên sẽ là những sứ giả đích thực trong truyền bá tình yêu tiếng Việt đến với mỗi kiều bào, gia đình và cộng đồng; đồng thời giúp các thầy cô mở rộng hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để các thầy cô cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu và niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước; là nguồn cảm hứng quý giá không chỉ giúp thầy cô truyền tải kiến thức ngôn ngữ mà còn cả tinh thần dân tộc đến với các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
“Với những kiến thức và kỹ năng mà các thầy cô đã lĩnh hội được trong Khóa tập huấn này, tôi tin tưởng, thầy cô sẽ áp dụng thành công vào thực tiễn giảng dạy. Những lớp học tiếng Việt sẽ không chỉ là nơi học chữ, mà còn là nơi khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim các thế hệ kiều bào trẻ”- ông Nguyễn Mạnh Đông nói.
Chia sẻ cảm xúc sau khi kết thúc Khóa tập huấn, cô Hoàng Thị Lai, kiều bào Thái Lan, cho biết sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, cô luôn dành nhiều tình cảm và mong muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, nhất là ngôn ngữ mẹ đẻ tiếng Việt. Sau Khóa tập huấn, trở về Thái Lan, cô Hoàng Thị Lai cho biết sẽ phối hợp với các cộng đồng người Việt tại Thái Lan để lập các lớp, cơ sở dạy và học tiếng Việt lan tỏa tiếng Việt trong mỗi gia đình. Từ đó, các thế hệ sinh ra và lớn lên tại Thái Lan thêm yêu, thêm gắn kết với Tổ quốc qua ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chia sẻ về những ấn tượng tốt đẹp về tiếng Việt của bạn bè nước ngoài tại Thụy Sỹ, cô Trần Đinh Linh Phương, kiều bào Thụy Sĩ, cho biết: “Trong một buổi giới thiệu ở nước ngoài, khi tôi dùng tiếng Việt để giới thiệu về mình và đất nước, điều ngạc nhiên khi tôi nhận được ủng hộ khen ngợi từ các bạn bè quốc tế. Các bạn bảo tôi nói tiếng Việt rất hay, có thanh điệu, âm vần nhịp nhàng. Tôi rất tự hào về tiếng Việt. Do đó, khi có cơ hội về nước tập huấn, tôi đã tình nguyện đăng ký. Sau Khóa tập huấn, tôi càng yêu, tự hào, trân trọng về tiếng mẹ đẻ, về nguồn gốc của cha ông. Hy vọng với lòng nhiệt huyết và yêu nghề, sau khi trở về Thụy Sỹ, tôi có thể truyền đạt lại kiến thức và tình yêu tiếng Việt cho các thế hệ sinh ra và lớn lên tại sở tại”- cô Linh Phương chia sẻ.
Qua 2 tuần tập huấn, thầy Duoangluxeay Douan Oupatham, giáo viên Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, cho biết đã học hỏi được rất nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích, nâng cao chất lượng bài giảng tiếng Việt khi trở về Lào công tác. Thầy Duoangluxeay Douan Oupatham mong muốn qua từng tiết học, các em học sinh không chỉ biết đọc, nói, viết tiếng Việt mà còn hiểu về lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào; gìn giữ và vun đắp mối tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào-Việt Nam.
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng.
Khóa tập huấn lần thứ 12 năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, diễn ra từ ngày 1 đến 15-12-2024, tại Hà Nội.
Các học viên đã dự 17 buổi tập huấn trên lớp về phương pháp giảng dạy tiếng Việt do các giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đứng lớp; tham dự Tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài” cùng Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, tác giả cuốn sách “Chào Tiếng Việt”; dự giờ và trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
Bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức chuyên môn, các thầy cô cũng tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội (viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; thăm Văn Miếu – Quốc Tử giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, làng gốm Bát Tràng) và thăm một số địa danh tại Hà Nam, Ninh Bình.
Một số hình ảnh:
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/lan-toa-tinh-yeu-tieng-viet-trong-cac-the-he-sinh-ra-va-lon-len-o-nuoc-ngoai-196241213193242917.htm