Làng đào cổ thụ mất Tết

Đứng giữa vườn trồng 40 cây đào cổ thụ đang chết khô, ông Nguyễn Xuân Ninh, 62 tuổi, ở xã Đặng Cương, cho biết từ bé đến giờ mới thấy làng mình thiệt hại thảm khốc đến thế. Cơn bão Yagi với sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16 đã nhổ tung những gốc đào chắc chắn nhất, tuốt trụi lá. Sau bão, dân làng đổ ra đồng dựng lại cây nhưng gặp mưa lớn, ngập lụt kéo dài cả tuần.

Vợ chồng ông Ninh thuê máy bơm, mua hàng triệu tiền dầu chạy suốt hai ngày mà không bơm được hết nước khỏi vườn đào. Giống cây không ưa nước ngập gốc như đào chỉ chịu được khoảng 24 tiếng rồi chết.

Đào bị úng nước, đứt rễ chết dần dù người dân Đặng Cương dùng nhiều cách để cứu. Ảnh: Lê Tân

Những cây đào sống sót qua đợt lụt cũng xơ xác. “Đúng thời điểm đào sắp ra nụ thì bị gió bão quật đổ, làm đứt rễ, vặn cành, trụi lá, sống cũng thành tật”, ông Chu Đình Thịnh, người bị mất 120 trên tổng số 140 gốc đào cổ thụ và 400 cây đào vườn nói.

Đặng Cương là làng hoa Tết nổi tiếng của Hải Phòng với 20 hecta trồng quất cảnh, 15 ha trồng hải đường và 90 ha trồng đào cảnh, đặc biệt là đào cổ thụ. Để có được cây đào đẹp, độc đáo bán Tết, người dân Đặng Cương lên miền núi nhập gốc đào cổ thụ về ghép với đào vườn.

Theo thống kê của chính quyền, mỗi năm tổng thu nhập của 1.000 hộ trồng hoa, cây cảnh trong xã 80-100 tỷ đồng, tập trung vào vụ cuối năm. Nhưng sau bão Yagi, 80% diện tích trồng đào ở Đặng Cương bị mất trắng do chết úng, dưới 10% là có thể khắc phục để bán dịp Tết Nguyên đán nhưng chất lượng thấp.

Với giá đào Tết 25-30 triệu đồng/gốc cây lớn, 7-10 triệu đồng/gốc trung bình và 1,5-5 triệu đồng/gốc đào nhỏ, mỗi hộ dân trồng đào cổ trong xã thiệt hại khoảng 500-700 triệu đồng.

Bà Thoa mất trăng 40 gốc đào cổ thụ sau khi bão Yagi đi qua. Ảnh: Lê Tân

Mong muốn duy trì vườn đào cho vụ sau, người dân Đặng Cương đang tích cực mua gốc. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thoa, ở thôn Đồng Dụ, gốc đào cổ thụ ngày càng hiếm, càng đắt. “Nhà tôi bị chết 40 gốc, phải đi vay hơn 100 triệu mua lại giống mà giá tăng gấp đôi, nhưng không còn lựa chọn nào khác”, bà Dụ nói.

Cả huyện An Dương có 365 ha trồng đào, 80 ha trồng quất và 135 ha hoa, cây cảnh bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc, tước cành lá do bão, tổng thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch huyện An Dương, cho biết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Dương đang cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoàn thiện hồ sơ để phân bổ tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nặng do bão.

Lê Tân

VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/lang-dao-co-thu-mat-tet-4814496.html