Một tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra ở đường Ỷ Lan, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến 6 người thương vong.
Cụ thể, lúc 20 giờ 35 tối 9-11, xe máy chở theo H. (18 tuổi) và T. (14 tuổi) chạy trên đường Ỷ Lan. Bất ngờ, xe này va chạm với xe máy khác từ chiều ngược lại, trên xe có T.C (16 tuổi) và Q.C (15 tuổi). Tiếp đó, xe máy của T.C và Q.C ngã xuống đường và va chạm với xe máy thứ 3 do Đ. (16 tuổi) chở theo V.T (16 tuổi).
Hậu quả, 2 người tử vong tại chỗ, 4 người còn lại bị thương, 1 xe máy bốc cháy. Các nạn nhân đều trong độ tuổi học sinh.
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiến hành điều tra đối với Nguyễn Hồng N. (19 tuổi) và 9 người khác (từ 16 -17) tham gia đoàn đua xe máy, bị cáo buộc tông chết cô gái 27 tuổi đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu. Thời điểm gây tai nạn giao thông, N. chưa có bằng lái xe.
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, nhìn nhận liên tiếp tai nạn liên quan đến học sinh làm nổi lên câu chuyện là quản lý chưa tốt.
Một hội thảo về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng mới đây cho thấy con số khiến nhiều người giật mình là có đến 38,5% đối tượng đua xe trái phép là học sinh, chủ yếu là học sinh cấp 3, 23,5% là học sinh đã bỏ học.
Những vụ lập nhóm đua xe, mang hung khí, giải quyết mâu thuẫn cá nhân thường có đến 99% là nam giới tham gia; 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Pháp luật quy định xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Trường hợp gây chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì người điều khiển lẫn người giao xe sẽ đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe; đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia; trong người có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc không đủ các điều kiện khác để điều khiển phương tiện, dẫn tới hậu quả như làm chết người; gây thương tật cho người khác từ 61% trở lên hay gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Mức phạt theo khoản 1 Điều này phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp gây các hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng như làm chết từ 2 người trở lên hay gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, mức phạt tối đa có thể áp dụng là 7 năm tù.
Theo quy định trên, có thể thấy để xem xét trách nhiệm pháp lý của phụ huynh có con gây án, vấn đề mấu chốt là họ có giao xe hoặc để cho con tùy ý sử dụng xe dù biết con chưa đủ điều kiện hay không. Trong trường hợp họ biết nhưng vẫn để con dưới 18 tuổi lấy xe tham gia giao thông, đây là hành vi có dấu hiệu hình sự hoặc ngược lại.
Thực tế chế tài hiện nay đã đủ mạnh nhưng quá trình thực thi nên nghiêm minh hơn.
Hiện, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Công an TP Hà Nội tập trung lực lượng, biện pháp điều tra, xác minh, khẩn trương xử lý nghiêm minh vụ cô gái 27 tuổi bị tông chết, bảo đảm đúng người, đúng tội. Trong đó có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông để răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp sớm đưa ra xét xử vụ việc.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/lien-tiep-tai-nan-kinh-hoang-lien-quan-hoc-sinh-quan-ly-chua-tot-196241111093804117.htm