Lộ mức ‘hoa hồng’ rất cao khiến ngân hàng ‘ép’ khách vay vốn mua bảo hiểm

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Mức phạt này được bổ sung nhằm tương thích với Luật Các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024.

Chế tài xử phạt mới của ngành ngân hàng được đưa ra sau hàng loạt phản ánh của người dân cho biết, họ bị ép mua kèm bảo hiểm nhân thọ khi đi vay suốt thời gian qua. Nhiều người vay vốn chấp nhận mua thêm bảo hiểm nhân thọ (sản phẩm bảo hiểm giá trị lớn và phải đóng tiền dài hạn) mới được giải ngân.

Lộ mức 'hoa hồng' rất cao khiến ngân hàng 'ép' khách vay vốn mua bảo hiểm ảnh 1

Thêm chế tài ngăn ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm không bắt buộc cho khoản vay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy – chuyên gia tài chính Đại học Nguyễn Trãi – cho biết, trong nửa đầu năm nay vẫn có phản hồi về việc khách hàng phải tham gia gói bảo hiểm để được giải ngân khoản vay. Nguyên nhân là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được công ty bảo hiểm chi hoa hồng rất cao, có hãng trả đến hơn 100% cho đối tác, khiến ngân hàng “bất chấp”.

Cũng theo ông Huy, dù luật đã nghiêm cấm nhưng ngân hàng có lợi thế “nắm đằng chuôi”, khách vay vẫn cần họ nên cũng không thể không tham gia. Nhiều ngân hàng cũng đang chịu áp lực phải phục hồi doanh thu để đáp ứng giao kèo đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm.

Nếu không đạt chỉ tiêu, ngân hàng phải trả lại chi phí trả trước cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, nhân viên ngân hàng liên tục phải có các “chiêu” mới, chẳng hạn như nhờ người thân đứng tên, hoặc ưu đãi lãi suất từ 1-2%/năm nếu đồng ý mua bảo hiểm để khách hàng “tự nguyện” đồng ý. Chính nhân viên của ngân hàng cũng thừa nhận, áp lực chỉ tiêu khiến họ phải gợi ý khách hàng tham gia bảo hiểm.

“Việc đề xuất mức xử phạt có thêm một công cụ chế tài ngăn chặn hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay. Điều này có lợi cho khách hàng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh ngân hàng và thiết lập lại niềm tin vào thị trường tài chính.

Với chế tài mạnh mẽ, tình trạng ép mua bảo hiểm không bắt buộc có thể sớm được kiểm soát, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững. Đã đến lúc bảo hiểm và ngân hàng phải “ai về nhà nấy” để lấy lại niềm tin của người dân”, ông Huy nói.

Trước đó, Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được Bộ Tài chính ban hành từ cuối năm ngoái cũng cấm ngân hàng bán kèm bảo hiểm liên kết đầu tư (một dạng sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ) trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Từ năm 2014 đến trước năm 2023 được coi là “giai đoạn vàng” của hoạt động bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng với tốc độ phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, kể từ năm 2023, sau những lùm xùm như khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm, tiền gửi tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm nhân thọ… niềm tin trên thị trường tụt dốc, mảng kinh doanh này bắt đầu rơi vào khủng hoảng, doanh thu tại các ngân hàng giảm mạnh và ảm đạm đến nay.

Hàng loạt vấn đề từ mảng kinh doanh này đã được phát hiện sau các cuộc thanh tra của cơ quan chức năng, thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng như đại lý và nhân viên ngân hàng không tuân thủ quy trình bán bảo hiểm, quản lý thu phí lỏng lẻo, chất lượng tư vấn thấp và không thu thập chính xác thông tin khách hàng…

Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/lo-muc-hoa-hong-rat-cao-khien-ngan-hang-ep-khach-vay-von-mua-bao-hiem-post1695618.tpo