Đậu nành có trong nhiều loại thực phẩm bao gồm sữa đậu nành, đậu phụ; rất giàu chất dinh dưỡng và hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe.
Cung cấp nhiều dưỡng chất
Đậu nành và các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, khẩu phần 1/2 cốc đậu nành chứa 148 calo, 15,5 g protein, 7,5 g tổng chất béo, 7 g carbohydrate, 5 g chất xơ, 88 mg canxi cùng vitamin A, B6, B9 và K.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Chế độ ăn giàu đậu, bao gồm đậu nành, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này là do isoflavone – hoạt chất trong đậu nành có tác dụng giảm viêm, cải thiện độ đàn hồi của mạch máu. Cả hai yếu tố này đều có bảo vệ sức khỏe tim mạch. Đậu nành và thực phẩm làm từ nó thường giàu arginine, một loại axit amin tham gia điều chỉnh mức huyết áp. Isoflavone là một hợp chất khác cũng hỗ trợ hạ huyết áp.
Giảm các triệu chứng mãn kinh
Đậu nành rất giàu isoflavone, một nhóm hợp chất còn được gọi là phytoestrogen hoặc estrogen thực vật, có khả năng liên kết với các thụ thể estrogen trong cơ thể. Nồng độ estrogen của phụ nữ mãn kinh suy giảm tự nhiên dẫn đến các triệu chứng khó chịu như mệt mỏi, khô âm đạo và bốc hỏa. Bằng cách liên kết với các thụ thể estrogen trong cơ thể, isoflavone trong đậu nành có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này.
Giảm cholesterol
Chế độ ăn giàu thực phẩm từ đậu nành có thể giảm cholesterol xấu LDL và tăng loại tốt HDL. Đậu nành được coi là tốt cho tim là vì chúng không chứa cholesterol. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị hạn chế lượng cholesterol trong chế độ ăn uống, càng thấp càng tốt.
Dùng đậu nành thay thế các nguồn protein có hàm lượng cholesterol cao hơn như thịt bò, lợn, phô mai và thịt chế biến góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch. Người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như cholesterol cao, béo phì hoặc tiểu đường type 2 có thể ưu tiên thực phẩm này để giảm lượng cholesterol và chất béo bão hòa nạp vào.
Cung cấp chất xơ
Đậu nành chứa cả chất xơ không hòa tan và hòa tan. Chất xơ không hòa tan giúp ngăn ngừa táo bón, còn loại hòa tan góp phần hạ đường huyết và cholesterol. Chất xơ hòa tan cũng quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Nó có vai trò điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột và được chuyển hóa thành axit béo chuỗi ngắn, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm ruột…
Cải thiện sức khỏe xương
Nồng độ estrogen thấp trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến lượng canxi trong xương suy giảm, dẫn đến mất xương, yếu và giòn, còn gọi là loãng xương. Tiêu thụ isoflavone đậu nành mỗi ngày phòng tình trạng mất xương và cải thiện các dấu hiệu sức khỏe xương ở phụ nữ mãn kinh. Isoflavone đậu nành cũng hỗ trợ đẩy lùi mệt mỏi, đau khớp trong giai đoạn này.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Verywell Health)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/loi-ich-cua-dau-nanh-voi-suc-khoe-4866014.html