Bảng giá đất điều chỉnh của Hà Nội có hiệu lực từ 20/12 đến hết năm 2025. Trong đó, giá đất ở có mức cao nhất là hơn 695,3 triệu đồng một m2 với các thửa mặt đường tại loạt phố của quận Hoàn Kiếm. Mức này gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ.
Còn đất ở mặt đường thuộc các tuyến phố của ba quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ tăng bình quân 225%. Tương tự, vị trí này ở 5 quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng được điều chỉnh cao hơn bình quân 210%. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhìn chung, giá đất ở theo bảng mới tăng bình quân 150 – 270%.
Các mức điều chỉnh này được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra trên cơ sở điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng thực tế hai năm qua. Cơ quan này thu về hơn 20.740 phiếu khảo sát tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn.
Với đất ở đô thị, Sở ghi nhận giá giao dịch thực tế tại các quận phổ biến 35-650 triệu đồng một m2. Riêng quận Hoàn Kiếm, mỗi m2 mặt đường phố Hàng Thiếc khoảng 642 triệu – 1 tỷ đồng hay phố Hàng Bông mua bán khoảng 750 triệu – 1,03 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng nhà, đất phố Hàng Gai còn cao hơn, từ 969 triệu đến 1,2 tỷ đồng một m2.
Không riêng khu vực quận trung tâm, mua bán đất ở tại các thị trấn huyện ven, như đường 32 (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) hay đường Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm… cũng ghi nhận 100-120 triệu đồng mỗi m2.
“Giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn mức cùng vị trí tại bảng giá đất của thành phố bình quân 250%”, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá sau rà soát.
Bảng giá đất cũng là cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất. “Việc điều chỉnh bảng giá là cấp thiết, nhằm đảm bảo nguồn thu từ đấu giá đất”, theo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Việc bảng giá điều chỉnh đưa ra với mức cao hơn trước đây dẫn tới lo ngại sẽ làm tăng thuế, phí về đất đai. Tức là, hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn trước.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng bảng giá mới giúp giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.
Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, cơ quan quản lý cho rằng thì cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.
Sở này cũng khẳng định bảng giá điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Ngược lại, nó góp phần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và phát triển Thủ đô.
“Quyền lợi của người bị thu hồi đất cũng được đảm bảo tốt hơn, khuyến khích người dân chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng”, cơ quan này lập luận.
Ngoài đất ở, Hà Nội cũng điều chỉnh bảng giá đất dịch vụ, nông nghiệp. Trong đó, đất thương mại dịch vụ được cao hơn 50-100% so với trước. Giá đất kinh doanh cao nhất tại các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm như Hàng Khay, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ… trên 244 triệu đồng một m2.
Đất trồng lúa và cây hàng năm, lâu năm hoặc đất nuôi trồng thủy sản đắt thêm khoảng 15%, cao nhất 290.000 một m2.
Còn đất sản xuất kinh doanh tăng 28-70% ở các quận nội thành (Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình…). Mức này, theo nhà chức trách không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của các đơn vị. Bởi việc các cơ sản xuất phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch theo chức năng được duyệt đang là yêu cầu bức thiết tại các quận nội thành.
Đồng thời, giá đất cho sản xuất tại nội thành tăng cao hơn các huyện (điều chỉnh 20 – 25%) sẽ khuyến khích doanh nghiệp chuyển sản xuất đến các huyện mới, đẩy nhanh việc di dời nhà máy khỏi trung tâm.
Anh Tú – Võ Hải
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/ly-do-ha-noi-dieu-chinh-gia-dat-cao-nhat-gap-gan-4-lan-4830278.html