Căn bệnh rối loạn co thắt âm đạo khiến chị Hoài đau đớn khi giao hợp nên khó có con. Vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) năm 2021, kết quả kiểm tra sức khỏe sinh sản của anh chị đều bình thường nhưng chuyển phôi một lần thất bại không rõ nguyên nhân.
Giữa năm ngoái, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, bác sĩ chẩn đoán rối loạn co thắt âm đạo mạn tính. Đây là tình trạng các cơ xung quanh vùng này co thắt không tự chủ khi có sự xâm nhập từ bên ngoài như quan hệ tình dục, đặt tampon (băng vệ sinh dạng ống), khám phụ khoa…
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, áp dụng liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu gồm bài tập giãn cơ sàn chậu với sự hỗ trợ kích thích điện cho chị nhằm kiểm soát các cơ sàn chậu, giảm co thắt, cải thiện khả năng thả lỏng. Do chị lớn tuổi, bác sĩ ưu tiên khuyến khích vợ chồng quan hệ tự nhiên để có con sớm. Sau khoảng ba tháng điều trị, chị mang thai tự nhiên.
Từ tuần thai 30, chị bị đau vùng chậu, không thể đi lại, phải di chuyển bằng xe lăn hai tháng. Đến tuần 38, chị có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ chỉ định sinh mổ vì thai to, bé trai chào đời nặng gần 4 kg. Dự kiến sau sinh 30 ngày, bác sĩ sẽ điều trị dứt điểm rối loạn cơ sàn chậu cho chị để tránh nguy cơ tái phát.
Bác sĩ Tâm điều trị cho người bệnh bị rối loạn cơ sàn chậu. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Tâm cho biết phụ nữ có thể bị co thắt âm đạo nguyên phát (bị đau mỗi khi có vật lạ chuẩn bị hoặc xâm nhập vào vùng này) hoặc thứ phát (từng quan hệ tình dục bình thường nhưng sau đó trở nên khó khăn, không thể thực hiện). Các triệu chứng thường gặp bao gồm căng thẳng, sợ hãi, khó chịu, đau nhói khi sinh hoạt vợ chồng, khám phụ khoa… Một số trường hợp sự co thắt cơ lan sang vùng lân cận như co thắt cơ thắt niệu đạo gây tiểu khó, tiểu đau, co thắt cơ thắt hậu môn dẫn đến đại tiện đau, táo bón.
Mức độ nghiêm trọng khác nhau ở mỗi người. Một số phụ nữ chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ, những người khác có thể bị đau dữ dội, không thể gần gũi bạn đời, dẫn đến trục trặc trong hôn nhân hoặc vô sinh hiếm muộn. Các triệu chứng có khả năng xảy ra liên tục hoặc thỉnh thoảng. Phần lớn phụ nữ không phát hiện bệnh do ngại chia sẻ chuyện tế nhị, chỉ âm thầm chịu đựng hoặc né tránh quan hệ, theo bác sĩ Tâm.
Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này chưa thể xác định. Các yếu tố nguy cơ như tâm lý, nhiễm trùng, khô vùng kín, rối loạn hoạt động thần kinh cơ vùng chậu, chấn thương khi sinh, tiền sử phẫu thuật… có thể dẫn đến co thắt âm đạo. Phương pháp điều trị bệnh thường tập trung làm giảm phản xạ của cơ khiến chúng căng lên, bao gồm liệu pháp tâm lý, tập vật lý trị liệu (bài tập kegel), trị liệu tình dục hoặc nong âm đạo. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ lên phác đồ phù hợp.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế ảnh hưởng hôn nhân và kế hoạch sinh con. Phụ nữ bị kích ứng, ngứa, đau, sưng đỏ vùng kín, giao hợp đau đớn, tiểu khó, khí hư bất thường hoặc có mùi hôi cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Ngọc Châu
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/mang-thai-tu-nhien-sau-dieu-tri-co-that-co-san-chau-4869354.html