Máy bay ‘made in China’ đổi tên để dễ cạnh tranh

COMAC thông báo việc đổi tên trong triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc tại Chu Hải sáng 12/11.

ARJ21 là chữ viết tắt của cụm Advanced Regional Jet for the 21st Century – Phản lực Tân tiến trong khu vực cho thế kỷ 21. Đây là máy bay phản lực đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu và sản xuất, hoạt động thương mại từ năm 2016.

Máy bay mới được sơn màu trắng, với phần đuôi màu xanh. Tin tức về kế hoạch đổi tên xuất hiện từ giữa tháng 10, khi một chiếc ARJ21 bị bắt gặp tại một sân bay của Trung Quốc với dòng C909 sơn trên nền đuôi xanh.

Chiếc C909 cất cánh trước thềm Triển lãm Hàng không Quốc tế Trung Quốc ở Chu Hải. Ảnh: Reuters

Việc đổi màu sơn và đổi tên giúp C909 thống nhất về độ nhận diện với các sản phẩm khác của COMAC, là máy bay thân hẹp C919 (đã hoạt động thương mại) và máy bay thân rộng C929 (đang phát triển). Nó cũng cho thấy tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong việc cạnh tranh với hai gã khổng lồ Airbus và Boeing. Cả hai hãng này đều đang chật vật sản xuất để theo kịp nhu cầu máy bay trên thế giới.

Ngoài đổi tên ARJ21, hãng còn giảm trọng lượng, tiếng ồn và đưa ra một số cải tiến về chi phí của mẫu mới so với các mẫu cũ.

Mẫu này sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức). ARJ21 có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ.

Hiện tại có 124 chiếc ARJ21 đang hoạt động, chủ yếu thuộc các hãng bay Trung Quốc. Hãng nước ngoài duy nhất hiện sử dụng ARJ21 là TransNusa (Indonesia), nhận máy bay năm 2022. Các hãng Trung Quốc đã sử dụng máy bay phản lực này trên nhiều chặng nội địa. Theo Comac, ARJ21 đã phục vụ 13 triệu lượt hành khách.

Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tay cho hoạt động sản xuất máy bay, nhằm phá vỡ thế thống trị của Boeing và Airbus. Gần đây, họ đẩy mạnh việc quảng bá C919 và COMAC cả ở trong nước và quốc tế.

Năm ngoái, C919 và ARJ21 được mang tới Sân bay Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) để trưng bày. Tháng 2 năm nay, C919 tham gia Triển lãm Hàng không Singapore. Ngay sau đó, COMAC cũng đem C919 và ARJ21 đến sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) để tổ chức triển lãm.

Hà Thu(theo Reuters)

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/may-bay-made-in-china-doi-ten-de-de-canh-tranh-4815014.html