Máy tạo nhịp tim nhỏ nhất thế giới

Máy tạo nhịp tim nhỏ hơn hạt gạo. Ảnh: John A. Rogers

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Northwestern hôm 2/4 thông báo, họ đã phát triển máy tạo nhịp tim nhỏ nhất thế giới, một thiết bị điều chỉnh nhịp tim tạm thời nhỏ hơn hạt gạo có thể tiêm vào cơ thể và điều khiển bằng ánh sáng, sau đó tự tan. Dù còn nhiều năm nữa mới được thử nghiệm trên người, máy tạo nhịp tim không dây này được giới thiệu là bước đột phá có thể thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực y học khác.

Hàng triệu người trên thế giới có máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Thiết bị này kích thích tim bằng các xung điện để đảm bảo tim đập bình thường. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia muốn giúp đỡ 1% trẻ em sinh ra với dị tật tim bẩm sinh và cần máy tạo nhịp tạm thời trong tuần đầu sau phẫu thuật.

Máy tạo nhịp tim này cũng có thể giúp người trưởng thành khôi phục nhịp tim bình thường trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật tim. Hiện tại, các máy tạo nhịp tim tạm thời thường cần phẫu thuật để khâu điện cực vào cơ tim, với dây nối đến một thiết bị cấp nguồn ở ngực bệnh nhân. Khi không cần máy tạo nhịp nữa, dây sẽ được rút ra, đôi khi có thể gây tổn thương.

Tuy nhiên, máy tạo nhịp tim mới không cần dây. Chỉ dày 1 mm và dài 3,5 mm, thiết bị có thể đặt vừa trong đầu kim tiêm. Nó cũng được thiết kế để tự tan khi không còn cần thiết, giúp bệnh nhân tránh được phẫu thuật xâm lấn.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Nature, máy tạo nhịp tim mới sẽ nối với một miếng dán mềm trên ngực bệnh nhân. Khi miếng dán phát hiện nhịp tim không đều, nó sẽ tự động phát ra ánh sáng để báo cho thiết bị biết cần kích thích nhịp tim như thế nào.

Máy tạo nhịp tim nhận năng lượng từ pin galvanic, sử dụng chất lỏng trong cơ thể để chuyển đổi năng lượng hóa học thành các xung điện kích thích tim. Thiết bị đã hoạt động hiệu quả trong thử nghiệm trên chuột, lợn, chó và mô tim người trong phòng thí nghiệm.

John Rogers, tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia tại Đại học Northwestern, ước tính máy tạo nhịp tim có thể được thử nghiệm trên người trong 2 – 3 năm tới. Ông nhận định rằng trong tương lai, công nghệ này có thể tạo ra các chiến lược độc đáo và hiệu quả nhằm giải quyết những thách thức trong lĩnh vực y tế.

Thu Thảo (Theo AFP)

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/may-tao-nhip-tim-nho-nhat-the-gioi-4869426.html