Mề đay

Nổi mề đay còn gọi là mày đay, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay giới tính. Chúng có khả năng xuất hiện thường xuyên và kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Triệu chứng

Mề đay có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Nổi mề đay dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng khác nhưng có một số đặc điểm dễ nhận biết gồm:

  • Các nốt sần hoặc vết sưng màu đỏ, đôi khi cùng với màu da, có viền rõ ràng, thường hết trong vòng 24 giờ.
  • Chúng xuất hiện riêng lẻ hoặc tập trung lại với nhau, bao phủ một vùng rộng hơn.
  • Ngứa và sưng xung quanh các nốt sần hoặc vết sưng.
  • Đôi khi cảm giác đau hoặc châm chích tại vị trí các nốt sần hoặc vết sưng.

Tình trạng nổi mề đay kéo dài trong 6 tuần hoặc lâu hơn là mạn tính, cần đi khám sớm.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Dù mề đay có thể có nhiều nguyên nhân nhưng đều bắt đầu khi các tế bào miễn dịch trong cơ thể (gọi là tế bào mast) được kích hoạt. Trong nhiều trường hợp, các tế bào mast này giải phóng một chất hóa học gọi là histamine có thể gây sưng, ngứa và đỏ.

Nguyên nhân gây ra nổi mề đay có thể phân biệt bằng phản ứng dị ứng và phản ứng không dị ứng.

Phản ứng dị ứng

Theo Viện Da liễu Mỹ, các chất gây dị ứng gây nổi mề đay bao gồm thực phẩm, thuốc men, vết cắn và đốt của côn trùng, phấn hoa, động vật, chạm vào thứ gì gây dị ứng, thậm chí cả thuốc tiêm dị ứng.

Phản ứng không dị ứng

Mề đay cũng có thể do các nguyên nhân khác ngoài dị ứng như căng thẳng, mặc quần áo chật, tập thể dục, ốm đau hoặc nhiễm trùng. Mề đay cũng phát triển do tiếp xúc quá nhiều với nhiệt độ nóng, lạnh hoặc kích ứng do đổ mồ hôi quá nhiều.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu và xét nghiệm da bổ sung để xác định xem có vấn đề tiềm ẩn hoặc nguyên nhân gây phát ban hay không. Một số trường hợp phát ban kéo dài có thể cần sinh thiết da để xác định nguyên nhân. Nếu nguyên nhân gây phát ban được xác định rõ ràng từ trước như tác nhân gây dị ứng, người bệnh có thể không cần xét nghiệm thêm.

Điều trị

Phần lớn các trường hợp phát ban tự khỏi. Mề đay riêng lẻ thường biến mất trong vòng khoảng 24 giờ, một số tái phát trong vòng vài tuần.

Trường hợp nhẹ không liên quan đến dị ứng hoặc các tình trạng sức khỏe khác, một số cách giảm nhẹ tạm thời bao gồm:

  • Uống thuốc kháng histamin.
  • Tránh gây kích ứng vùng da đó.
  • Tránh nước nóng vì nhiệt cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nổi mề đay.
  • Tắm nước mát hoặc nước ấm với bột yến mạch dạng keo hoặc baking soda.

Phòng ngừa

Những thay đổi đơn giản trong lối sống có thể giúp phòng ngừa nổi mề đay tái phát trong tương lai. Nếu người bệnh biết bị dị ứng và biết tác nhân gây ra, bác sĩ tư vấn tránh khả năng tiếp xúc với những yếu tố này. Tiêm phòng dị ứng là lựa chọn khác cũng góp phần giảm nguy cơ nổi mề đay trở lại.

Tránh ở những nơi có độ ẩm cao hoặc mặc quần áo bó sát cũng giúp ích.

Biến chứng

Nổi mề đay không được kiểm soát có thể gây ra những thay đổi trong giấc ngủ, hiệu suất làm việc hoặc học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Các biến chứng tiềm ẩn khác nhưng ít gặp của nổi mề đay cấp tính hoặc mạn tính bao gồm:

  • Phù mạch.
  • Sốc phản vệ (biến chứng có thể xảy ra đồng thời với nổi mề đay, có khả năng đe dọa tính mạng).
  • Lo lắng.
  • Trầm cảm.

Bảo Bảo (Theo Everyday Health, Healthline)

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/me-day-4870796.html