Mẹo ăn uống phòng bệnh tim

Chìa khóa để kiểm soát, phòng ngừa bệnh tim là lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học. Dưới đây là cách bảo vệ trái tim mỗi người có thể áp dụng hàng ngày.

Cân bằng lượng calo

Trung bình một người trưởng thành nên ăn khoảng 2.000 calo mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn có thể cần nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào các yếu tố như giới tính, độ tuổi, mức độ luyện tập. Tăng cường hoạt động thể chất sẽ đốt cháy nhiều calo hơn.

Ăn các loại hạt

Protein thực vật và chất xơ hòa tan có trong các loại hạt, đậu. Thực phẩm này góp phần làm giảm cholesterol xấu, bảo vệ sức khỏe tim. Mỗi người cân nhắc thay thế các sản phẩm ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt. Ăn vặt bằng các loại hạt thô góp phần giảm lượng carbohydrate, tinh bột và đường, tăng cảm giác no, góp phần giữ dáng.

Bổ sung nhiều rau quả

Rau quả cung cấp dồi dào vitamin và khoáng chất, ít calo và nhiều chất xơ, ngăn ngừa bệnh tim. Bổ sung thêm rau quả vào chế độ ăn uống bằng cách cắt nhỏ chúng và trong tủ lạnh để ăn vặt, chế biến thành nước ép, sinh tố. Dưa hấu, chuối, quả bơ giàu chất béo tốt, kali để tăng cường bảo vệ mạch máu, cải thiện lưu thông máu, hạn chế nguy cơ hẹp, tắc, vỡ mạch máu.

Ăn hải sản, trứng

Hải sản giàu protein, có hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Các loại cá béo như cá thu và cá hồi giàu chất béo omega-3. Chất béo này tốt cho tim, làm tăng mức cholesterol tốt. Mỗi người nên ăn cá béo hai lần một tuần.

Vitamin A, B12 và E, protein, selen được tìm thấy trong trứng. Dù trứng có cholesterol nhưng chúng có tác dụng tối thiểu đối với cholesterol trong máu. Người có nguy cơ mắc bệnh tim có thể ăn tối đa 6 quả trứng một tuần như một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh.

Giảm chất béo không lành mạnh

Hạn chế chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, tăng cholesterol trong máu. Lượng cholesterol cao từ chất béo có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, đột quỵ, đau tim.

Hạn chế muối

Ăn quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể gây ra huyết áp cao. Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Mức tiêu thụ natri được khuyến nghị cho người huyết áp cao hoặc bệnh tim 1,5 g natri mỗi ngày. Lượng muối nạp vào cơ thể phần lớn đến từ thực phẩm chế biến. Do đó, mỗi người nên ưu tiên ăn thực phẩm tươi.

Duy trì thói quen đọc thành phần dinh dưỡng khi mua thực phẩm đóng gói hoặc ăn ngoài. Chọn thức ăn ít thành phần kém lành mạnh như chất béo bão hòa, natri và đường.

Lê Nguyễn (Theo WebMD)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/meo-an-uong-phong-benh-tim-4817252.html