Ngày 15-11, tại hội thảo “Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo” do Báo Thanh Niên phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, GS-TS Trần Công Luận, Nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP HCM, chia sẻ trước đây sâm Ngọc Linh thường được nhắc đến là có 52 hợp chất saponin. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện số lượng saponin tăng lên 107 hợp chất, cho thấy tiềm năng dược liệu phong phú của loài sâm này.
Theo GS-TS Luận, sâm là loại quý hiếm và có giá trị kinh tế cao nên gặp phải vấn đề trét đất, độn đinh, lấy tam thất giá rẻ để mạo danh. Do đó, rất cần sớm có hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, khoa học, đồng thời chính người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm sâm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm (Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam), nói rằng đến nay người tiêu dùng vẫn rất khó phân biệt các loại sâm, chỉ khi nào có sự minh bạch thì ngành sâm mới phát triển tốt.
Theo ông Lực, để phát triển sâm dưới tán rừng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật. Muốn phát triển quy mô công nghiệp, các bộ ngành cần triển khai tháo gỡ sớm để người dân có niềm tin. Mặt khác, các tổ chức tài chính chưa mạnh dạn cho vay để đầu tư sâm và hiện tại đầu tư vào sâm chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.
Ông Lực cũng bày tỏ khi đã coi sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia thì mọi người dân phải được dùng nhưng giá hiện nay vẫn còn cao, rất ít người có thể tiếp cận.
“Tôi đề xuất Bộ Y tế xem xét đánh giá sản phẩm tốt đưa vào danh mục thuốc, sản phẩm thuộc danh mục bảo hiểm y tế để người dân được dùng. Sản phẩm không có đầu ra thì khó mà phát triển bền vững được” – ông Lực nhấn mạnh.
TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên khoa Dược, Trường đại học Y Dược TP HCM, thông tin về các nghiên cứu về thành phần hóa học của 3 loại sâm Ngọc Linh, Lai Châu và Lang Biang (gọi chung là sâm Việt Nam).
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy thành phần hóa học của sâm Lai Châu khá tương đồng với sâm Ngọc Linh về số lượng và hàm lượng hoạt chất. Cho tới nay còn nhiều tranh cãi liệu có nên xem sâm Lai Châu đồng danh với sâm Ngọc Linh hay không.
Tương tự, sâm Lang Biang có nhiều điểm tương đồng với sâm Ngọc Linh, đặc biệt là về thành phần saponin. Tuy nhiên, hàm lượng MR2 trong sâm Lang Biang thấp hơn so với sâm Ngọc Linh.
Về đề xuất này, TS Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), nói: “Có thể nghiên cứu nhưng sản lượng sâm hiện nay khá ít, nên cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu”.
TS Ngọc cho biết theo Quyết định 611 của Thủ tướng, sâm Việt Nam được hiểu là tất cả những cây được gọi là sâm trồng ở Việt Nam. Để cây sâm thành quốc bảo phải cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng đó là loại sâm nào. Tuy nhiên, khi ra quốc tế thì không nói sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu tốt hơn mà thống nhất là sâm Việt Nam rất tốt, tác dụng dược lý mà loại sâm khác không có.
Trong việc thương mại hóa sâm, ông Ngọc nhấn mạnh bên cạnh việc trồng trên núi, cần nghiên cứu trồng quy mô công nghiệp để người dân sử dụng. “Giá sâm khoảng 20 triệu/kg (hiện người tiêu dùng mua sâm Ngọc Linh với giá khoảng 80 – 100 triệu đồng/kg) thì người dân mới có thể tiếp cận” – ông nói thêm.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/mot-de-xuat-bat-ngo-doi-voi-sam-ngoc-linh-19624111513193604.htm