Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung hạn mức này được Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện, không yêu cầu các ngân hàng phải đề nghị.
Cùng với việc tăng hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng cần triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ. Hướng tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng kinh tế.
Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ để hạn chế nguy cơ bất ổn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.
Ngân hàng Nhà nước nới thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng. |
Các ngân hàng cũng được khuyến khích duy trì ổn định lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế.
Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước triển khai linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đảm bảo đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm nay.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng với mức tăng khoảng 15%.
Đến ngày 28/8, những ngân hàng đã cho vay trên 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp từ đầu năm đã được Ngân hàng Nhà nước thêm hạn mức.
Lần này là đợt nới “room” tín dụng thứ 2 trong năm nay. Theo thống kê, đến ngày 22/11 tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023, thấp hơn mức kỳ vọng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 122 ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết rất hoan nghênh việc Ngân hàng Nhà nước tăng “room” tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, vẫn là nên bỏ “room” tín dụng để cho mỗi ngân hàng tự quyết kế hoạch kinh doanh của mình. Nếu ngân hàng thấy khả năng có thể cho vay thêm được thì hãy để cho họ kinh doanh.
Theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước vẫn có đầy đủ công cụ khác để kiểm soát các ngân hàng, chứ không phải chỉ có “room” tín dụng. “Hãy mở “room” tín dụng để ngân hàng nào có thể cung cấp được tín dụng nhiều hơn và thậm chí là bỏ luôn cả “room” tín dụng. Kể cả trần lãi suất tiền gửi huy động từ 6 tháng trở xuống cũng nên bỏ, để các ngân hàng tự vận hành trong khả năng của mình”, ông Hiếu nói.
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm đã bỏ “room” tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này, tuy nhiên còn một số khó khăn.
“Room” tín dụng là hạn mức về chỉ tiêu tăng trưởng vốn, được Ngân hàng Nhà nước phân bổ tới từng ngân hàng. Hạn mức này được nhà điều hành tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào, gồm dư nợ tín dụng, điểm xếp hạng…
Theo Ngân hàng Nhà nước, khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.
Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, nếu ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011.
Cơ quan này cũng lo ngại điều này tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/ngan-hang-nha-nuoc-noi-room-tin-dung-lan-thu-2-trong-nam-post1695846.tpo