Nghệ sĩ Lệ Thủy hát tri ân ‘vua vọng cổ’ Viễn Châu

Nghệ sĩ Lệ Thủy hát tri ân 'vua vọng cổ' Viễn Châu

 
 
Nghệ sĩ Lệ Thủy hát tri ân ‘vua vọng cổ’ Viễn Châu

Trích tiết mục “Chàng là ai” (tân nhạc Nguyễn Hữu Thiết, vọng cổ Viễn Châu). Video: Mai Nhật

Giọng ca gạo cội góp mặt trong chương trình Trọn đời nghiệp cầm ca – kỷ niệm 100 năm ngày sinh soạn giả Viễn Châu tại Nhà hát TP HCM, tối 4/11. Tiết mục tái hiện không gian phòng trà thập niên 1960, với bức chân dung Lệ Thủy thuở đôi mươi. Sau khi tiếng hát thời thiếu nữ của bà vang lên từ máy đĩa than, nghệ sĩ bước ra khỏi tấm màn chiếu, thể hiện bản tân cổ Chàng là ai.

Lệ Thủy cho biết giai đoạn 14-15 tuổi, bà may mắn được ông Viễn Châu giao nhạc phẩm đầu tay ở mảng tân cổ giao duyên. Theo bà, ngày đó, thể loại này vốn ít ai biết đến, nghệ sĩ chủ yếu chỉ ca sáu câu vọng cổ. Lần đầu nghe đến sự kết hợp của tân và cổ nhạc, bà e ngại, hỏi ông: “Có được không chú Bảy (tên thân mật của Viễn Châu), con nghe sao thấy lạ quá”. Ông nói vui: “Trời ơi, bây ca đi, không chừng bây nổi tiếng đó”.

Sau khi Chàng là ai được phát hành ở dạng đĩa nhạc, ca khúc lập tức được đông đảo người mộ điệu ưa chuộng, tên tuổi Lệ Thủy vụt sáng. Ông Viễn Châu liền sáng tác thêm các bản Người ấy là ai, Tôi viết tên ai, Cô hàng chè tươi. Nghệ sĩ nói hạnh phúc khi sau nhiều thập niên, loạt nhạc phẩm vẫn được vang lên ở khắp nơi. “Soạn giả mất gần 10 năm để phát triển tân cổ giao duyên, chinh phục giới chuyên môn lẫn khán giả, giúp các nghệ sĩ có thêm ‘đất’ sáng tạo trong làn hơi, giọng ca”, bà đánh giá.

Lệ Thủy, Trọng Hữu trong trích đoạn “Chuyện tình Hàn Mặc Tử”. Ảnh: Hà Nguyễn

Lệ Thủy mang ơn ông dìu dắt từ những ngày đầu vào nghề. Bài nhạc đầu tiên bà học là Lắng tiếng chuông ngân của soạn giả – vốn nổi tiếng qua giọng hát Thanh Nga. Sau nhiều tháng theo đoàn Trâm Anh để học hỏi, bà được ông Viễn Châu chọn, thử vai tiểu đồng trong đĩa Quan Âm Thị Kính. Ông ngạc nhiên khi bà mới 12-13 tuổi nhưng ca, diễn chững chạc, thành thục như con nhà nòi, từ đó hướng dẫn hát thêm các bản tân cổ. “Tôi vẫn nhớ như in lúc còn được ông dạy dỗ. Gần 60 năm gắn bó, tôi vinh hạnh là một trong những ‘nhân chứng sống’ của cuộc đời chú Bảy”, bà nói.

Trong đêm diễn, Lệ Thủy còn thể hiện trích đoạn Chuyện tình Hàn Mặc Tử cùng nghệ sĩ Trọng Hữu. Đôi nghệ sĩ khắc họa chân dung nhà thơ và bóng hồng Mai Đình, hát về cuộc đời dở dang của thi sĩ tài hoa: “Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết/ Trách thay cho tơ duyên, chưa thắm nồng đã vội tan”.

Kim Tử Long hát "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà"

 
 
Kim Tử Long hát “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”

Kim Tử Long hát “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”. Video: Mai Nhật

Chương trình được chia làm nhiều phần, tái hiện sự nghiệp Viễn Châu qua các mảng sáng tác làm nên tên tuổi ông. Ở chương Những bài vọng cổ bất hủ, dàn nghệ sĩ thể hiện bản Tình anh bán chiếu – Lá trầu xanh. Tiết mục lấy cảm hứng từ cuộc thi Thanh Tâm – giải thưởng cải lương danh giá trước năm 1975, ông Viễn Châu từng nằm trong ban tuyển chọn thí sinh. Chương Chàng là ai điểm lại các tác phẩm tân cổ nổi tiếng, trong đó có Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, qua giọng hát nghệ sĩ Kim Tử Long và Phượng Hằng.

Phần Người mẹ miền Nam là tấm lòng của soạn giả dành cho vùng đất, con người Nam bộ. Ở chương Những tự tình trao gửi, các nghệ sĩ thể hiện loạt bản tân cổ ông viết về cảnh sắc từ Bắc vào Nam qua ca cảnh Em đi chùa Hương – Đêm tàn bến Ngự – Bài ca đất phương Nam. Ở mảng vọng cổ hài – dòng tác phẩm góp phần giúp soạn giả Viễn Châu được công chúng yêu mến, nghệ sĩ Thanh Nam góp mặt với tiết mục Ông Trượng và Tiên Bửu. Chương trình do Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM thực hiện, Hữu Quốc, Dương Thảo đạo diễn, tiếp tục diễn ra ở Trà Vinh – quê hương soạn giả – tối 8/11.

Nghệ sĩ Trọng Phúc hát "Bài ca đất phương Nam"

 
 
Nghệ sĩ Trọng Phúc hát “Bài ca đất phương Nam”

Nghệ sĩ Trọng Phúc hát “Bài ca đất phương Nam”. Video: Mai Nhật

Soạn giả Viễn Châu (1924 – 2016) là cha đẻ của loạt tác phẩm kinh điển như Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Tần Quỳnh Khóc bạn, Kiếp cầm ca. Một trong những sáng tạo nghệ thuật của Viễn Châu là việc ông lập nên thể loại tân cổ giao duyên, giúp những giai điệu cổ dễ đi vào lòng người hơn. Nhiều ngôi sao từng thành danh qua các sáng tác của Viễn Châu như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên. Được biết đến là “vua vọng cổ”, ông còn là một trong ba danh cầm của làng nhạc cổ truyền miền Nam. Danh tiếng của “tam hùng” danh cầm gồm Năm Cơ – Bảy Bá (Viễn Châu) – Văn Vỹ in đậm trong lòng mộ điệu của giới cổ nhạc từ thập niên 1960.

Mai Nhật

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nghe-si-le-thuy-hat-tri-an-vua-vong-co-vien-chau-4812113.html