Ngoài việc tiền ‘đẻ’ ra tiền, lý do gì người Việt thích gửi tiết kiệm?

Tiền phải “đẻ” ra tiền

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, người dân Việt thích gửi tiết kiệm hơn các kênh đầu tư khác bởi các kênh đầu tư khác không phải ai cũng hiểu biết đi đầu tư. Thậm chí có những người đã đầu tư các kênh đầu tư khác nhưng nhận thấy rủi ro nên quay lại gửi ngân hàng.

Theo ông Ánh, về mặt nguyên tắc, người dân không để đồng tiền đứng im và tiền phải “đẻ” ra tiền. Việc đem tiền gửi tiết kiệm ngân hàng là an toàn nhất và trong điều kiện ở Việt Nam kênh gửi tiết kiệm không có rủi ro.

Ông Ánh cho biết thêm, gửi tiết kiệm ngân hàng cũng có đa dạng hình thức gửi, kỳ hạn gửi. Các ngân hàng thường cung cấp nhiều hình thức như tiết kiệm trả góp, tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm online… Ngoài ra ngân hàng còn cung cấp nhiều loại gói tiết kiệm phù hợp với nhu cầu tài chính của khách. Tùy vào mục đích, khách hàng có thể lựa chọn gói tiết kiệm ngắn, trung hoặc dài hạn.

Ngoài việc tiền ‘đẻ’ ra tiền, lý do gì người Việt thích gửi tiết kiệm? ảnh 1

Gửi tiết kiệm vừa sinh lời và là kênh đầu tư an toàn nhất (ảnh: Như Ý).

“Lãi suất ngân hàng phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và lãi suất tăng hay giảm người gửi tiền không bao giờ lo lỗ và có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán, khách sẽ luôn phải lo lắng vì có khả năng lỗ, không thanh khoản…”, ông Ánh nói.

Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng tất cả các hoạt động đầu tư phải đóng thuế nhưng tiền lãi gửi tiết kiệm không phải đóng thuế. Bản thân các ngân hàng khi huy động tiết kiệm của người dân cũng cho vay ra chứ không để tiền ứ đọng trong ngân hàng. Thậm chí tín dụng cho vay ra vượt cả số huy động vào.

Vay vốn nhanh chóng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí hiếu đề cập tới một trong những lợi thế của kênh gửi tiết kiệm ngân hàng đó là có thể tận dụng khoản tiết kiệm để vay vốn. Hiện nay rất nhiều người gửi tiết kiệm khi cần vốn gấp có thể dùng chính sổ tiết kiệm để vay vốn. Vay cầm cố sổ tiết kiệm là hình thức vay mà người vay dùng sổ tiết kiệm của mình để làm tài sản thế chấp. Ngân hàng giữ, bảo quản sổ tiết kiệm và trả lại cho người vay sau khi khoản vay được tất toán.

Quy trình, thủ tục vay vốn bằng khoản tiết kiệm đơn giản, nhanh chóng hơn so với vay cầm cố bằng tài sản khác. Khách hàng không cần chuẩn bị quá nhiều hồ sơ thủ tục, quá trình vay thế chấp sổ tiết kiệm cũng rất đơn giản, thời gian xử lý nhanh do không phải thẩm định giá trị tài sản đảm bảo, giúp tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng.

Bên cạnh đó, vay cầm cố sổ tiết kiệm có lãi suất thấp hơn so với hình thức vay bằng tài sản đảm bảo khác.

Ông Hiếu cho hay, muốn sinh lời cao khi gửi tiết kiệm, khách hàng cần lưu ý các vấn đề sau. Trước hết, khách hàng nên tìm hiểu lãi suất của các ngân hàng để chọn được ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất. Sau đó, tùy thuộc vào mục đích tiết kiệm (mua nhà, mua xe, dưỡng già…) mà chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm cho phù hợp. Nếu tình hình tài chính không ổn định nhưng vẫn muốn gửi tiết kiệm thì bạn nên chọn kỳ hạn ngắn. Thông thường, các kỳ hạn tiết kiệm càng dài thì lãi suất càng cao.

Ông Hiếu lưu ý, khi gửi tiền trong ngân hàng, mỗi tài khoản tiết kiệm đều có ngày đáo hạn cố định được quy định rõ ràng. Khi đến ngày này, khách hàng gửi tiền có thể thực hiện tất toán và có thể nhận lại toàn bộ cả tiền gốc và lãi suất. Chính vì thế, người dân không nên rút tiền trước kỳ hạn quy định kẻo mất khá nhiều lợi nhuận.

“Ngoài hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, các ngân hàng còn đưa ra hình thức gửi tiết kiệm online. Hình thức này khá tiện lợi vì cho phép khách hàng tự thao tác gửi tiền thông qua ứng dụng của ngân hàng, không cần phải qua giao dịch viên mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, gửi tiết kiệm online còn có thể giúp khách hàng hưởng lãi suất cao hơn. Bởi một số ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất cho hình thức gửi tiết kiệm online cao hơn 1-2%/năm so với gửi tiết kiệm tại quầy”, ông Hiếu nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 9 năm nay, tiền gửi của người dân đạt gần 6,96 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 9, tiền gửi của người dân tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 16,94 triệu tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm 2023.

Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/ngoai-viec-tien-de-ra-tien-ly-do-gi-nguoi-viet-thich-gui-tiet-kiem-post1704528.tpo