Nguy cơ chấn thương tay khi chơi pickleball

ThS.BS Nguyễn Quang Huy, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nói pickleball là môn thể thao có tính đối kháng lành mạnh, giúp người chơi rèn luyện sức khỏe. Song một số trường hợp tập luyện không đúng cách, cường độ chưa phù hợp với thể trạng cơ thể, có thể dẫn đến các chấn thương, thường gặp nhất là triệu chứng đau vùng cánh tay, cổ tay.

Đơn cử Nguyệt, 29 tuổi, thường chơi pickleball khoảng hai tiếng sau giờ làm, đôi khi thi đấu giao lưu thêm vào cuối tuần. Gần đây, Nguyệt sưng đau khuỷu tay nên giảm tần suất chơi bóng, nhưng cơn đau tiếp tục tăng nặng, khiến cô khó gõ máy tính làm việc. Cô đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán viêm gân khuỷu tay, một chấn thương tương tự khi chơi tennis (tennis elbow), cần điều trị chống viêm và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng dài ngày.

Bác sĩ Huy giải thích người chơi pickleball sử dụng lực cánh tay và sự linh hoạt của cổ tay để điều khiển vợt và đánh bóng. Ở trường hợp chị Nguyệt, chuyển động lặp đi lặp lại của cả cổ tay, cánh tay khi thực hiện động tác đón, đánh bóng, khiến các gân của cơ cẳng tay cọ xát vào mỏm xương bên ngoài khuỷu và gây viêm gân khuỷu tay. Tình trạng này còn gọi là viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay, dẫn đến đau nhức khuỷu tay.

Nếu tiếp tục chơi bóng, cơn đau có xu hướng dày hơn, lan dần đến cẳng và cổ tay người bệnh. Tình trạng đau xuất hiện khi tay bị chạm vào hoặc cử động mạnh, có thể diễn biến ở một hoặc cả hai bên khuỷu tay, làm người bệnh khó xoay, cầm, nắm vật thể. Nếu không can thiệp kịp thời dễ dẫn đến viêm gân khuỷu tay mạn tính, về lâu dài nguy cơ thoái hóa, xơ gân duỗi thậm chí đứt gân tự phát… ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt.

Bác sĩ kiểm tra vết thương cho bệnh nhân chấn thương tay sau chơi thể thao. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Trường hợp khác là anh Thắng, 31 tuổi, chơi pickleball đã hai năm nay. Gần đây, anh chuyển làm huấn luyện viên do nhận thấy nhu cầu học chơi tăng cao. Mỗi ngày, anh dạy khoảng 3-4 lớp, buổi tối thi đấu thêm cùng các bạn chơi chuyên nghiệp khác. Gần đây, cổ tay anh ê mỏi kéo dài, dù chườm và thư giãn vẫn không đỡ, lâu dần chuyển thành đau nhức, tê cứng không thể cầm vợt. Anh đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán viêm khớp cổ tay.

Bác sĩ Quang Huy giải thích người chơi pickleball cần xoay đảo cổ tay liên tục khiến các cơ, khớp bị quá tải, lặp lại dẫn đến các vết rách gân. Khi vết rách vượt quá khả năng tự sửa chữa của cơ thể sẽ xảy ra viêm gân. Nếu không được chữa trị kịp thời đúng cách, có khả năng dẫn tới thoái hóa gân, thậm chí đứt gân.

Vợt pickleball nặng khoảng 190-250 g, dài 39-42 cm, chia hai loại cho người mới chơi và chơi nguyên nghiệp. Nếu chọn vợt không phù hợp như quá nặng hoặc tay cầm quá nhỏ dẫn đến nắm vợt quá chặt cũng có thể gây thêm căng thẳng cho cổ tay. Hiện tượng dây chằng xung quanh khớp cổ tay giãn quá mức và rách, hay còn gọi là bong gân thường xảy ra khi người chơi khởi động không kỹ.

Dấu hiệu ban đầu thường gặp của chấn thương bong gân là sưng viêm, đau nhói, xuất hiện vết bầm tím ở vùng bị chấn thương. Khi bong gân kéo dài dễ xảy ra hiện tượng viêm khớp, hẹp khe khớp, nguy cơ teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp, giảm khả năng vận động.

Anh Thắng được bác sĩ kê thuốc chống viêm nhằm giảm bớt và cải thiện các triệu chứng viêm tạm thời, kết hợp nẹp cổ tay để giảm tác động cơ học và áp lực, đồng thời hỗ trợ phục hồi tổn thương ở ổ khớp. Anh cần tạm dừng chơi pickleball cho đến khi không còn triệu chứng viêm và tập phục hồi chức năng cho khớp trước khi quay trở lại sân bóng.

Người chơi pickleball nên học kỹ thuật bài bản, khởi động kỹ, để tránh chấn thương. Ảnh: Trịnh Hằng

Theo The Dink Pickleball, tính riêng năm 2023, chi phí điều trị cho các ca chấn thương liên quan tới pickleball ở Mỹ lên tới 377 triệu USD. Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê về tỷ lệ chấn thương do chơi pickleball. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huy, những chấn thương nói trên là khó tránh khỏi, nhất là ở thời điểm môn thể thao còn mới, thu hút đông người lên sân dù chưa qua các lớp huấn luyện đào tạo hoặc chơi dài ngày không có thời gian nghỉ. Điều này dễ dẫn đến chơi sai kỹ thuật hoặc quá sức, gây căng thẳng thêm cho cơ xương khớp tay, nguy cơ chấn thương cao hơn.

Bác sĩ khuyên người có vấn đề về cơ cổ tay, cẳng tay yếu nên cân nhắc hạn chế hoặc không chơi pickleball. Để tránh chấn thương, người chơi nên học kỹ thuật bài bản, cần khởi động thật kỹ, làm nóng tất cả các cơ trên cơ thể. Nên mặc quần áo đúng chủng loại, tránh bó sát gây hạn chế phạm vi hoạt động. Người chơi cũng nên chọn dụng cụ tập phù hợp về kích thước, trọng lượng, trình độ và lối chơi.

Người có các dấu hiệu đau bất kỳ điểm nào trên tay sau chơi pickleball nên đi khám để được điều trị kịp thời. Chẩn đoán sớm rất quan trọng để đánh giá cấu trúc nào của tay bị ảnh hưởng, điều trị tối ưu, tránh biến chứng nặng, theo bác sĩ Huy.

Vân Anh

*Tên của nhân vật đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nguy-co-chan-thuong-tay-khi-choi-pickleball-4816702.html