Nguyên nhân khiến bạn không có cảm giác thèm ăn

Cảm giác thèm ăn là tín hiệu của cơ thể cho biết cần được cung cấp nhiên liệu. Não và ruột có mối liên hệ mật thiết và hoạt động cùng nhau để tạo cảm giác đói. Một số nguyên nhân sau đây có thể gây chán ăn, ít đói.

Căng thẳng: Khi căng thẳng, cơ thể phản ứng như đang gặp nguy hiểm. Não giải phóng các chất hóa học, bao gồm adrenaline làm tim đập nhanh hơn và quá trình tiêu hóa chậm lại, dẫn đến kiềm chế sự thèm ăn.

Thuốc: Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là mất cảm giác thèm ăn. Một số loại thuốc phổ biến gồm thuốc kháng sinh, chống nấm, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị trầm cảm, huyết áp cao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng đến cơn đói. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu chán ăn sau dùng thuốc để được điều chỉnh kịp thời.

Cảm lạnh hoặc cúm: Hệ thống miễn dịch thường hoạt động hết công suất khi cúm, cảm lạnh. Nó giải phóng các hóa chất gọi là cytokine gây mệt mỏi và chán ăn. Tuy nhiên, người bị ốm nên cố gắng ăn uống đủ chất để có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, góp phần giảm viêm, nhanh hồi phục.

Bệnh tiêu hóa: Người bị buồn nôn, tiêu chảy, đau thắt bụng có thể do đau dạ dày hoặc viêm dạ dày ruột. Đó là khi virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công dạ dày và ruột, khiến mệt mỏi, chán ăn. Khi cơn buồn nôn qua đi, triệu chứng dịu lại, người bệnh nên bắt đầu ăn những món nhạt như chuối, cơm trắng, bánh mì nướng, uống đủ nước để dạ dày ổn định. Triệu chứng thường gặp của hội chứng ruột kích thích là buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi, đau dạ dày, gây mất cảm giác thèm ăn.

Thiếu máu: Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu không đủ hồng cầu, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt và chán ăn. Các triệu chứng khác có thể đi cùng như đau ngực, đau đầu.

Ung thư: Chán ăn là tác dụng phụ thường gặp của bệnh ung thư. Tế bào ung thư và các phương pháp điều trị như xạ trị, hóa trị có thể gây buồn nôn, đau hoặc mất nước, thay đổi mùi vị hoặc mùi của thực phẩm, dẫn đến chán ăn, giảm cân, thiếu chất. Người bệnh ung thư nên ưu tiên các món loãng, dễ nuốt, chia thành nhiều bữa nhỏ để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tránh kiệt quệ.

Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt gây tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể. Một trong số đó có thể là dây thần kinh phế vị có vai trò kiểm soát các cơ dạ dày. Khi dây thần kinh này hoạt động bất thường, thức ăn không di chuyển qua đường tiêu hóa nhanh như bình thường, lâu dần dẫn đến liệt dạ dày gây chán ăn và đầy hơi.

Suy giáp: Hormone tuyến giáp kiểm soát quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Suy giáp khiến tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cơ thể cần, làm các chức năng chuyển hóa chậm lại. Cơ thể sử dụng ít năng lượng hơn và ít đói.

Anh Chi (Theo WebMD)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nguyen-nhan-khien-ban-khong-co-cam-giac-them-an-4869035.html