Nhà máy giảm giờ làm để công nhân được nghỉ ngơi

Đúng 16h, chuông tan ca của Công ty TNHH Juki Việt Nam (chuyên sản xuất máy may công nghiệp) ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, vang lên. Công nhân có 5 phút dọn vệ sinh, sắp xếp lại khu vực làm việc. 16h05, chuông reo lần hai, lao động rời xưởng, ra về.

Nhiều năm qua, khối sản xuất bắt đầu vào ca lúc 7h30. Sau khi trừ 70 phút nghỉ ăn trưa và hai lần giải lao, tổng thời gian đứng chuyền trong ngày của công nhân là 7,3 giờ. Không chỉ được về sớm, mỗi tháng người lao động ở Juki được nghỉ hai ngày thứ 7. Do đó, tổng số giờ làm việc chính thức trong tuần không quá 44 giờ, ít hơn 4 giờ so với quy định.

Bộ Luật lao động 2019 quy định giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần, tức mỗi tuần làm việc 6 ngày. Trong khi đó, giờ làm khu vực nhà nước 40 tiếng mỗi tuần, 8 tiếng mỗi ngày được điều chỉnh bởi Quyết định 188/1999 của Thủ tướng, tức mỗi tuần làm việc 5 ngày.

Công nhân Juki trong giờ sản xuất. Ảnh: Lê Tuyết

Có thâm niên 28 năm tại Juki, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, cho biết giai đoạn đầu, thời gian làm việc ở nhà máy tương tự các công ty khác, tức vào ca 7h30, tan xưởng lúc 16h30, tuần làm việc 6 ngày và được nghỉ chủ nhật. Sau thời gian áp dụng, lao động trình bày khó khăn khi đón con do kẹt xe giờ tan tầm. Ban giám đốc sau đó đồng ý cho tan ca sớm 25 phút.

“Nhờ được về sớm, tránh kẹt xe nên tôi đủ thời gian chạy từ quận 7 sang trường học ở huyện Nhà Bè đón con, đưa về nhà rồi ngược lên quận 5 để học thêm”, chị Linh nói, cho biết sau khi tốt nghiệp đại học đã được doanh nghiệp giao phụ trách Tổ vật tư của công ty.

Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch công đoàn Công ty Juki, cho biết ban đầu ban giám đốc chỉ giảm giờ làm trong ngày. Tuy nhiên, trong các buổi gặp, nhiều công nhân ý kiến “thời gian cuối tuần dành cho con ít quá”, lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định mỗi tháng cho nghỉ thêm hai ngày thứ bảy.

“Có thêm thời gian nghỉ cần sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và người lao động”, ông Đại nói. Với 26 ngày nghỉ thứ bảy, công ty “chịu” 20 ngày, 6 ngày còn lại được tính vào phép năm. Khi tăng ngày nghỉ, doanh nghiệp không giảm bất kỳ khoản lương, thu nhập nào của người lao động. Để đảm bảo năng suất, công ty đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm thời gian.

Công đoàn cũng phát động phong trào thi đua. Tùy vị trí việc làm, người lao động có thể đề xuất tất cả phương án để cải tiến quy trình sản xuất. Tùy vào hiệu quả mang lại, công ty sẽ thưởng tiền hoặc xem xét tiêu chí để đánh giá thi đua, tăng lương hàng năm.

“Nếu công ty có đơn hàng gấp, cần huy động công nhân tăng ca trong thời gian nghỉ sẽ trả lương gấp 1,5-2 lần. Tuy nhiên, người lao động được quyền từ chối nếu muốn nghỉ ngơi”, ông Đại nói.

Công nhân dược An Thiên trong giờ làm việc. Ảnh: An Phương

Tương tự, nhiều năm qua Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, đã áp dụng thời gian làm việc 44 giờ mỗi tuần. Ông Lê Đình Chi, Giám đốc hành chính nhân sự công ty, cho biết trước đây doanh nghiệp tổ chức sản xuất mỗi tuần 6 ngày, tức 48 giờ, chưa kể tăng ca. Điều này khiến lao động có ít thời gian nghỉ ngơi.

Xuất phát từ mong muốn của người lao động, công đoàn đã đề xuất ban giám đốc giảm giờ làm mỗi tuần xuống 44 giờ. Ban đầu, công ty tổ chức làm việc sáng thứ bảy, song, một số công nhân nhà xa, đi về cũng mất cả ngày nên doanh nghiệp dồn hai buổi sáng thứ bảy vào một ngày để mỗi tháng lao động được nghỉ hai ngày thứ bảy.

Theo ông Chi, chính sách này áp dụng đã được gần chục năm và người lao động rất đồng thuận. Cùng với giảm giờ làm, công ty tập trung đầu tư máy móc và công nghệ mới giúp nâng cao năng suất, từ đó cải thiện thu nhập. Hiện, doanh nghiệp có 450 lao động, thu nhập bình quân 13 triệu đồng mỗi tháng. “Giảm thời gian làm việc là một cách để ban giám đốc thể hiện sự quan tâm sức khỏe, gia đình nhân viên”, ông Chi nói.

Theo Công đoàn các Khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, Juki, Dược phẩm An Thiên là hai trong hơn 20 doanh nghiệp sản xuất thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn làm việc dưới 48 giờ mỗi tuần, trong đó có nhiều nhà máy làm 40 giờ, tức chỉ 5 ngày trong tuần, một số nghỉ 1-3 ngày thứ bảy trong tháng. Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực điện tử, may, thực phẩm, công nghệ bán dẫn… Thời gian làm việc ít hơn quy định nhưng tiền lương, thu nhập và các chế độ phúc lợi vẫn đảm bảo.

Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, cho biết thời gian qua có nhiều tranh cãi về sự bất hợp lý giữa thời gian làm việc khối nhà nước và doanh nghiệp. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã nhiều lần đề nghị giảm giờ làm cho lao động khối ngoài nhà nước.

“Hiện, pháp luật mới dừng ở mức khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chứ chưa bắt buộc. Do đó, một số nhà máy chủ động giảm giờ làm là nỗ lực rất đáng ghi nhận”, bà Vân nói, cho rằng giảm giờ làm giúp công nhân được nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình, người lao động sẽ cảm thấy vui vẻ, có thêm động lực gắn bó với công ty hơn. Đây cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân lao động trong bối cảnh nhân lực của khối sản xuất ngày càng khan hiếm.

Bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, cũng cho rằng phúc lợi về thời gian là mong muốn của hầu hết lao động, nhóm ngành sản xuất cũng không ngoại lệ. Các khảo sát của đơn vị này cho thấy trong 6 phúc lợi mong muốn của lao động, vấn đề thời gian, hỗ trợ làm việc xếp đầu tiên (với 63% người lựa chọn), tuy nhiên thực tế chỉ 24% được trải nghiệm thỏa đáng tại nơi làm việc.

“Tổ chức thời gian làm việc linh hoạt, các vị trí đặc thù có thể chủ động lựa chọn khung giờ đến công ty, tăng thời gian nghỉ ngơi cho lao động… là những nỗ lực đáng ghi nhận của doanh nghiệp”, bà Thanh nói.

Theo Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, gần 41% lao động trên toàn quốc làm việc từ 40 đến 48 giờ mỗi tuần; 30,8% làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam cao hơn nữ (33,9% và 27,4%). Cả nước có 7,5% lao động làm việc trên 60 giờ mỗi tuần, cao nhất ở đồng bằng sông Hồng (9,3%).

Lê Tuyết

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nha-may-giam-gio-lam-de-cong-nhan-duoc-nghi-ngoi-4794245.html