Những con số bất ngờ về Mobile Money sau 3 năm thử nghiệm

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam (Mobile Money).

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng nghị định về Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước cho biết Mobile Money là một loại hình thanh toán thí điểm mới. Hiện chỉ đang cho phép 3 doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT-Media và MobiFone thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ trên cơ sở tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Sau hơn 3 năm triển khai, Mobile Money đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố căn cứ báo cáo của 3 doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9-2024, tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 9,8 triệu tài khoản.

Trong đó, Viettel chiếm 73%, VNPT-Media chiếm 21%, MobiFone chiếm 6%, số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 7,1 triệu tài khoản (chiếm gần 72% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Những con số bất ngờ về Mobile Money sau 3 năm thử nghiệm - Ảnh 1.

Viettel, MobiFone, VNPT-Media là 3 nhà mạng đang triển khai dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam trong giai đoạn thí điểm.

Một con số đáng chú ý là số tài khoản Mobile Money đang hoạt động đến cuối tháng 9-2024 hơn 6,56 triệu tài khoản, đạt tỉ lệ khoảng 66,46% tổng số tài khoản đăng ký. 

  • Tiếp tục thí điểm Mobile Money đến hết năm 2024

    Tiếp tục thí điểm Mobile Money đến hết năm 2024ĐỌC NGAY

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm lũy kế đến cuối tháng 9-2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 159 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 5.685 tỉ đồng.

Trong khi đó, căn cứ các quy định pháp lý hiện hành, các doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ Mobile Money không thuộc đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh tại Luật các tổ chức tín dụng 2024; Luật Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 52/2024/NĐ-CP. Đồng thời, dịch vụ Mobile Money không phải là dịch vụ thanh toán qua hoặc không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, cũng không phải là phương tiện thanh toán và chưa được quy định chính thức ở một văn bản pháp lý nào.

“Việc tạo hành lang pháp lý chính thức cho một dịch vụ thanh toán mới Mobile Money sẽ bảo cho quá trình thanh toán được thông suốt, đáp ứng nhu cầu của hơn 9,8 triệu tài khoản đang sử dụng, đặc biệt là hơn 7 triệu khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam”, tờ trình của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Mobile Money khác ví điện tử thế nào?

Sự khác biệt chủ yếu giữa tài khoản Mobile Money và ví điện tử chính là việc liên kết với tài khoản ngân hàng. Ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ (gắn với tài khoản) còn tài khoản Mobile Money thì không phải liên kết.

Đối tượng khách hàng của Mobile Money hướng đến là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam… Đây là nơi mạng lưới của ngân hàng khó có thể bao phủ, người dân chưa thể mở tài khoản ngân hàng để có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/nhung-con-so-bat-ngo-ve-mobile-money-sau-3-nam-thu-nghiem-196241203105508811.htm