Những người trẻ đi bar để làm việc

Cô gái 25 tuổi nói thích không gian yên tĩnh cùng nhạc jazz du dương, phù hợp với người đến một mình để làm việc. Giá đồ uống của quán dao động 80.000-150.000 đồng, không quá đắt so với các quán cà phê.

Lần đầu đến quán, Ánh hơi e ngại bởi đi một mình. Nhưng khi bước vào quán, cô thấy chỉ có đèn vàng mờ, mọi người không nhìn rõ mặt nhau nên tâm lý thoải mái hơn. Ngoài những lúc tập trung làm việc, cô có thể nói chuyện phiếm với bartender (người pha chế) để giải lao.

Ngọc Ánh thường ngồi từ 20h đến 1-2h sáng hôm sau. Rời quán, cô về nhà ngủ để sáng hôm sau tiếp tục đến văn phòng làm việc vào 9h sáng.

“Làm việc tại hidden bar giúp tôi tập trung hơn, phần vì không gian yên tĩnh, nhạc nhẹ nhàng cũng kích thích khả năng sáng tạo”, Ánh nói. Điều này không có nếu làm việc ở nhà hoặc quán cà phê bởi cô dễ bị phân tâm nếu ồn ào.

Ngọc Ánh, 25 tuổi, ở Hà Nội thường xuyên ghé tới quán hidden bar ở quận Tây Hồ, Hà Nội để xuyên đêm làm việc, 00h, ngày 13/11. Ảnh: Thanh Nga

Tố Tâm, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tình cờ biết đến mô hình “làm việc tại quán bar” trên mạng xã hội từ cuối năm 2023. Sau một lần thử đến trải nghiệm, cô gái 23 tuổi đã “nghiện” đến giờ.

Mô hình hidden bar với tiêu chí chỉ nhận ít khách trở nên đặc biệt hấp dẫn những người trẻ hướng nội hoặc cần một không gian vừa yên tĩnh, vừa nhẹ nhàng nhưng cũng phải “chill”.

Thi thoảng công việc căng thẳng, Tâm có thể nhâm nhi một ly cocktail pha theo yêu cầu riêng về hương vị và tâm sự cùng người pha chế.

Vốn là freelancer, không ít lần Tâm ngồi ở quán làm việc xuyên đêm. Lúc mệt cô được quán cung cấp chăn, gối để chợp mắt. Khi thành khách quen, nữ khách hàng tự tin mặc đồ ngủ tới làm việc xuyên đêm, không lo bị đánh giá.

“Tôi cảm giác vẫn không có gian riêng nhưng không bị lạc lõng, cô đơn khi tới những quán kiểu này”, Tâm nói.

Một số bạn trẻ chọn ngồi quầy bar để vừa làm việc vừa trò chuyện cùng bartender, 23h30 ngày 12/11. Ảnh: Thúy Quỳnh

Trái ngược với hình dung của mọi người về sự ồn ào của các quán bar, pub, mô hình hidden bar trở thành địa điểm yêu thích để làm việc của người trẻ Hà Nội, TP HCM từ khoảng nửa năm qua.

Thùy Dương, 31 tuổi, ở quận 7, TP HCM, tự nhận mình là một trong những người tiên phong, khám phá ra các hidden bar.

Do tính chất công việc, 5 năm nay cô thường hẹn gặp đối tác ở quán bar để trò chuyện riêng tư. Cuối ngày, Dương thường nán lại quán để xử lý công việc tồn đọng. Nhiều lần cô trở về nhà lúc rạng sáng.

Không đơn thuần là nơi bán rượu, Dương cho biết các hidden bar/pub ngày nay chú trọng hơn vào cảm xúc của khách hàng. Bartender không chỉ biết pha chế mà còn biết cách giao tiếp, an ủi hay thậm chí xem tarot để giúp khách hàng xả stress.

Đây cũng là lý do ngoài chọn làm nơi làm việc, cô gái 31 tuổi cũng thường ghé đến để thưởng thức cocktail, đồ uống không cồn và đọc sách.

Nhiều khách một mình tới quán hidden pub “Ngã tư cột đèn” ở quận Thanh Xuân vừa làm việc vừa thư giãn, tháng 11/2024. Ảnh: Hoàng Uyên

Khảo sát của VnExpress từ đầu năm 2024, số lượng hidden bar/pub hoạt động theo mô hình chỉ phục vụ khách đến làm việc, đọc sách có xu hướng tăng. Thay vì bật nhạc lớn, chú tâm phục vụ đồ uống có cồn, các quán này đầu tư không gian quán ấm cúng, khu vực để khách được cảm thấy riêng tư hơn.

Chị Hoàng Uyên, quản lý quán Ngã tư cột đèn ởquận Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết quán mở từ năm 2023, hướng đến tệp khách đi một mình, cần không gian yên tĩnh. Năm ngoái, tệp khách đến một mình làm việc chiếm khoảng 30%, năm nay đã tăng lên hơn 50%, chủ yếu trong độ tuổi 18-30.

Những khách này thường tới quán từ 20h, chủ yếu các ngày trong tuần để làm việc. Tùy nhu cầu và khối lượng công việc, họ sẽ rời quán sau 23h đêm hoặc rạng sáng hôm sau.

Chị Uyên cho biết khách hàng ngày nay đặc biệt là Gen Z quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần. Họ sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm được không gian đẹp, đồ uống hợp khẩu vị và khơi gợi cảm xúc để làm việc.

Cẩm Tú, quản lý quán The Atrium Cocktail Bar ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng nhận thấy số lượng khách đến quán một mình để làm việc tăng mạnh từ đầu năm 2024, hiện chiếm hơn 40%. Ngoài người đi làm dưới 30 tuổi, nhiều sinh viên cũng ghé quán để tập trung “cày deadline”.

Để phục vụ tệp khách đến làm việc, chị Tú cho biết đơn vị chú tâm vào việc thiết kế không gian riêng tư, ánh sáng đủ để làm việc kèm list nhạc hợp xu hướng. Khách đến quán sẽ không cảm thấy bị ồn ào, khó chịu như các mô hình quán bar/pub truyền thống.

Bên cạnh đó, hidden bar này cũng tuyển những bartender thân thiện, sẵn sàng trò chuyện, lắng nghe tâm sự của khách. Nhất là những người đang có phiền muộn trong lòng có thể chia sẻ với người lạ mà không cảm thấy ngại.

Một số bạn trẻ tìm tới các quán bar, pub yên tĩnh ở Hà Nội để đọc sách, nghe nhạc nhẹ, tháng 11/2024. Ảnh: Thanh Nga

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (TP HCM) cho biết khái niệm làm việc xuyên đêm, “cú đêm” xuất hiện khoảng 10 năm nay khi nhiều sinh viên, người đi làm phải giải quyết khối lượng công việc lớn. Đặc biệt là sau đại dịch, nhu cầu làm việc linh hoạt khiến nhiều người chú trọng hơn đến không gian làm việc ngoài văn phòng, đặc biệt là người trẻ.

Theo chuyên gia, tâm lý người trẻ tìm đến các không gian công cộng, đủ yên tĩnh để làm việc là một giải pháp hay. Ở đó, họ vừa có thể tập trung giải quyết công việc, vừa tìm được động lực phấn đấu vì thấy người khác cùng học, cùng làm việc, xóa đi cảm giác cô độc. Những không gian kiểu này cũng có lợi cho người cần sự sáng tạo.

“Đặc biệt là với Gen Z, họ được tiếp cận với nhiều công nghệ mới, sức sáng tạo không ngừng nên việc khác biệt so với các thế hệ trước trong cách thức làm việc, lối sống”, bà Minh nói.

Ngọc Ánh cho biết, việc chi khoảng 80.000 đồng đổi lấy 5-6 tiếng yên tĩnh tại hidden pub và hoàn thành mọi công việc tồn đọng hoặc nhận dự án làm thêm là hợp lý.

“Dù giá thành cao hơn so với cà phê nhưng đổi lại tới đây tôi thấy được thư giãn và làm việc năng suất hơn”, Ánh nói.

Nguyễn Nga – Quỳnh Nguyễn

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nhung-nguoi-tre-di-bar-de-lam-viec-4815342.html