Những thực phẩm có lợi sau chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm

Quá trình chuyển phôi thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phôi, niêm mạc tử cung, sự tiếp nhận của niêm mạc tử cung đối với phôi… ThS.BS Vũ Thị Ngọc, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ ăn uống khoa học với thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể tạo ra môi trường tối ưu cho niêm mạc tử cung, duy trì cân bằng nội tiết tố cũng như tăng cường sức khỏe phôi thai, tạo điều kiện thuận lợi để phôi làm tổ và phát triển. Duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng, vì thừa hay thiếu cân đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Thực phẩm giàu protein

Protein rất cần thiết cho mô phục hồi và là thành phần quan trọng của các hormone, các enzym (men), tham gia vào quá trình sản xuất kháng thể giúp tăng cường sức khỏe cũng như khả năng sinh sản. Thịt gà, cá, đậu phụ, các loại đậu và trứng là nguồn protein nạc nên chọn. Chúng chứa hàm lượng protein cao, cung cấp các axit amin thiết yếu cho trứng và tinh trùng phát triển. Tuy nhiên, phụ nữ sau chuyển phôi chỉ nên ăn thịt đỏ, trứng vừa phải và tránh các loại cá có thể bị nhiễm thủy ngân.

Chế độ ăn giàu protein nạc được khuyến khích cho phụ nữ sau chuyển phôi. Ảnh: Minh Phương

Chất béo lành mạnh

Các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá béo (cá hồi, cá thu), quả óc chó, hạt chia và hạt lanh giúp giảm viêm, thúc đẩy cân bằng nội tiết tố.

Thực phẩm giàu folate

Folate là một loại vitamin B hỗ trợ cho sự phát triển của phôi thai, ngăn ngừa khả năng dị tật ống thần kinh ở thai nhi do thiếu hụt axit folic. Theo bác sĩ Ngọc, cung cấp đủ axit folic cho phụ nữ trước và trong thời gian mang thai giúp giảm khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ.

Thiếu folate cũng có thể gây bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sảy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân. Do đó, các mẹ cần bổ sung thực phẩm có nhiều folate tự nhiên bao gồm các loại rau lá xanh (rau bina, bông cải xanh, rau diếp), đậu bắp, măng tây, trái cây (chuối, dưa, chanh), đậu, nấm, thịt (gan, thận bò), nước cam và nước ép cà chua… Bổ sung axit folic bằng viên uống dựa theo chỉ định của bác sĩ, liều cơ bản 400-800 microgram mỗi ngày và liều cao cho một số trường hợp có tiền sử đặc biệt.

Thực phẩm giàu kẽm

Các loại hạt, ngũ cốc, sản phẩm từ sữa, khoai tây, thịt, nấm, hàu… giàu kẽm, giúp cân bằng hormone trong cơ thể, cải thiện khả năng sinh sản. Lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ sau chuyển phôi phụ thuộc vào mức độ hấp thu, tối thiểu từ 6 mg và tối đa 20 mg một ngày. Phụ nữ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ sử dụng các loại viên uống bổ sung kẽm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phôi làm tổ.

Thực phẩm giàu omega-3

Với tác dụng hỗ trợ niêm mạc tử cung phát triển, giảm viêm, các loại thực phẩm chứa axit béo omega-3 có lợi cho phụ nữ sau chuyển phôi. Hợp chất này có trong thực phẩm tự nhiên như cá hồi, tốt cho sức khỏe tổng thể.

Sữa hoặc các sản phẩm thay thế sữa

Sữa, sữa chua, phô mai cung cấp canxi và vitamin D, đặc biệt cần thiết cho sức khỏe của xương, sức khỏe sinh sản tổng thể, có thể giúp phôi thai bám chắc vào tử cung trong quá trình điều trị IVF. Bác sĩ Ngọc lưu ý phụ nữ nên chọn các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo để giảm lượng chất béo bão hòa.

Ngũ cốc nguyên hạt

Gạo lứt, hạt diêm mạch và lúa mì nguyên cám cung cấp chất xơ, các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Những loại carbohydrate phức hợp này điều chỉnh lượng đường trong máu, cải thiện sự cân bằng nội tiết tố và khả năng sinh sản nói chung, rất quan trọng để IVF thành công. Ngoài ra, các loại hạt hạnh nhân, óc chó, hạt bí ngô và hạt điều cũng rất tốt cho phụ nữ sau chuyển phôi.

Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe tổng thể và hỗ trợ tốt cho thai kỳ. Ảnh: Minh Phương

Trái cây và rau

Đây là nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, có thể cải thiện chất lượng trứng và tinh trùng. Phụ nữ sau chuyển phôi nên chọn các loại trái cây và rau nhiều màu sắc như quả mọng, rau lá xanh, cà rốt, ớt chuông để tăng lượng chất dinh dưỡng hấp thụ.

Bác sĩ Ngọc khuyên phụ nữ sau chuyển phôi nên ăn đa dạng thực phẩm theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe, tránh các loại thực phẩm từng gây dị ứng. Bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng cao nên tăng cường ăn đạm (thịt, cá). Uống đủ nước mỗi ngày để duy trì lưu lượng máu tối ưu đến các cơ quan sinh sản và hỗ trợ sự phát triển của trứng cũng như tinh trùng. Kết hợp ăn uống lành mạnh và chế độ ngủ nghỉ, tập thể dục nhẹ nhàng điều độ, tránh chất kích thích, đồ uống có cồn và khói thuốc lá… giúp nâng cao sức khỏe tổng thể.

Hằng Trần

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nhung-thuc-pham-co-loi-sau-chuyen-phoi-thu-tinh-ong-nghiem-4867631.html