Nông dân lo đấu giá ‘đẩy giá đất lên cao’

Tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” ngày 24/11, ông Nguyễn Mạnh Hiếu – Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ thời gian qua, một số huyện ven Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, có nơi mức trúng lên tới 100 triệu đồng một m2.

“Giá lên cao khiến những hộ gia đình có mức thu nhập thấp khó mua đất làm nhà, tách sổ cho con”, ông Hiếu nói, đồng thời đặt câu hỏi Nhà nước có biện pháp gì để ngăn thổi giá đất thông qua đấu giá, mà vẫn đảm bảo thu ngân sách, đất ở cho người thu nhập thấp, trong đó có nông dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hiếu – Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) phát biểu tại diễn đàn, ngày 24/11. Ảnh: Gia Chính

Trước lo lắng này, ông Đào Trung Chính – Cục trưởng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng người dân không nên lo ngại quá vấn đề đấu giá.

Ông Chính giải thích, theo Luật Đất đai 2024, người dân không phải tham gia đấu giá khi có nhu cầu đất ở. Những trường hợp không phải đấu giá là cá nhân thường trú tại xã mà không có đất ở, chưa được Nhà nước giao đất ở, chưa hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở.

“Trước đây, chúng ta gọi nôm na là giao đất giãn dân thì lần này là giao chỉ định. Nếu người dân chưa có đất ở thì chính quyền xã, huyện, tỉnh phải quy hoạch các khu vực để giao đất ở cho các đối tượng này”, ông Chính nói.

Theo ông, đây là quy định mới nên địa phương chưa triển khai được vì phải theo quy hoạch. Các địa phương sẽ phải điều chỉnh quy hoạch để giải quyết nhu cầu về đất ở cho người dân.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói cơ quan này có các giải pháp khắc phục tình trạng bất cập hay lợi dụng đấu giá đất để thổi giá, trục lợi thời gian vừa qua.

Trước tiên, Bộ này yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định liên quan đấu giá đất tại các Luật: Đấu giá tài sản, Giá, Đất đai 2024. Địa phương cũng phải công khai quy hoạch, xây dựng, đô thị, kế hoạch sử dụng đất tại các khu vực tiến hành đấu giá.

Cùng với đó, họ cũng cần điều chỉnh bảng giá đất, để làm cơ sở tính mức khởi điểm khi đấu giá đất.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói về giải pháp ngăn thổi giá đất. Ảnh: G.C

Theo Luật Đất đai 2024, cơ quan Nhà nước phải xác định lại giá của khu đất đã đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để sát với thực tế. Bộ trưởng Duy cho rằng vừa qua một số địa phương đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nhưng vẫn lấy giá đất khi chưa có đầu tư về hạ tầng làm khởi điểm.

“Việc này dẫn đến mức khởi điểm và giá trúng có khoảng cách lớn, nhiều đối tượng lợi dụng kiếm lời”, ông Duy nói.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các địa phương cần tăng biện pháp bảo đảm nguồn cung về đất, nhà ở và giá hợp lý phù hợp với khả năng tiếp cận, chi trả của đại bộ phận người dân. Đây là giải pháp khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản.

Cùng với đó, trong quy chế đấu giá, Bộ trưởng Duy cho rằng có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá. Ông đề nghị công khai thông tin các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc, để hạn chế việc lợi dụng đấu giá trục lợi.

Biện pháp cuối cùng được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhắc tới là tăng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp khả thi và cứng rắn để chấn chỉnh tình trạng này”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định.

Gia Chính

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nong-dan-lo-dau-gia-day-gia-dat-len-cao-4819767.html