Kết quả nội soi, chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy khối u ác tính sùi loét kích thước 2×3 cm nằm bám vào mặt dưới bên phải lưỡi của bệnh nhân. Khối u đã lan qua thắng lưỡi bên trái, vùng góc hàm bên phải có hạch kích thước 0,9×1,1 cm. Tổn thương xâm lấn tuyến nước bọt dưới hàm bên phải gây giãn ống tuyến, dính với phần lợi phía sau xương hàm, chân răng.
Ngày 3/4, PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, cho biết khối u ở lưỡi gây đau, ảnh hưởng chức năng ăn nhai, nói chuyện, giao tiếp, khiến ông Hùng nói nhịu, phát âm sai âm “l”.
“Phẫu thuật loại bỏ khối u là bước đầu điều trị ung thư nhưng gặp nhiều thách thức”, bác sĩ Kỳ nói, giải thích thêm ung thư sàn miệng như ông Hùng dễ di căn hạch cổ, cần kết hợp loại bỏ khối u dưới lưỡi và nạo vét các hạch nghi ngờ ung thư để loại trừ nguy cơ di căn. Diện tích mô cần loại bỏ lớn ảnh hưởng tới chức năng của lưỡi, phải tạo vạt phục hồi. Tuy nhiên, điều này khiến cuộc mổ kéo dài, tăng nguy hiểm và độ khó vì ông Hùng có bệnh nền tăng huyết áp, hẹp mạch vành, tổn thương đông đặc phổi nghi ngờ do lao.
Hình ảnh khối u sàn miệng trên phim chụp cộng hưởng từ. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Phó giáo sư Kỳ phẫu thuật cắt 1/4 mặt dưới lưỡi, nhổ 4 răng cửa và bán phần xương hàm quanh chân răng để loại bỏ trọn vẹn khối u. Tiếp đó, êkíp đưa vạt da dưới cằm bù vào phần mô lưỡi đã bị loại bỏ. Vạt dưới cằm là nhóm vạt gần, có khả năng tưới máu tốt, tiết kiệm thời gian phẫu thuật so với việc lựa chọn các vạt ở vị trí khác.
Thông qua thiết bị vi phẫu chuyên dụng, các bác sĩ bóc tách, tránh tổn thương dây thần kinh để nạo vét các hạch cổ. Vạt da dưới cằm được khâu vào diện cắt của lưỡi, tạo hình sàn miệng. Người bệnh được kiểm tra, chăm sóc vạt da ghép hàng ngày.
Ông Hùng mắc ung thư trên nền nhiều bệnh lý mạn tính và có thêm lao phổi nên được kết hợp điều trị với chuyên khoa Hô hấp. Bác sĩ khoa Dinh dưỡng phối hợp thiết kế chế độ riêng đảm bảo năng lượng và vi chất cho ông. Nhờ đó, người bệnh phục hồi nhanh, được hướng dẫn tập nuốt nước bọt, tập nhai nuốt để làm quen dần, tập điều khiển chức năng của lưỡi.
Phó giáo sư Lê Minh Kỳ (bên phải) thực hiện phẫu thuật ung thư sàn miệng cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Sau hai tuần, tình trạng của ông ổn định, lao phổi được kiểm soát, xuất viện. Tái khám sau khi xuất viện, vạt tạo hình lành tốt, chuyển động lưỡi linh động, thực hiện tốt các chức năng cơ bản. Ông tiếp tục điều trị xạ trị bổ trợ.
Ung thư sàn miệng thuộc nhóm ung thư khoang miệng, chiếm tỷ lệ 1,4% ca mắc mới tại Việt Nam, theo Globocan 2022. Tổ chức ung thư thâm nhiễm rất nhanh vào các tổ chức xung quanh gây đau và ảnh hưởng chức năng như khó ăn, khó nuốt, khó nói, theo phó giáo sư Kỳ. Nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư miệng như thuốc lá, rượu bia, tổn thương niêm mạc do nhiễm trùng (viêm quanh răng, viêm xoang hàm), nhiễm virus HPV… Người bệnh nên lựa chọn địa chỉ khám và điều trị uy tín để đảm bảo an toàn, thành công cho phẫu thuật. Người mắc nhiều bệnh lý nền phức tạp nên tới các cơ sở y tế đa khoa để được điều trị toàn diện.
Khuê Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/phat-hien-ung-thu-mieng-tu-dau-hieu-noi-khong-ro-4869128.html