– Phát biểu trước Quốc hội, ông nói rằng để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực cũng đang bị nghẽn. Thực tiễn nào khiến ông đưa ra nhận định này?
– Như Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, bộ máy Nhà nước của chúng ta đang cồng kềnh. Cán bộ chưa phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm để phục vụ lợi ích quốc gia. Một số cơ quan còn đùn đẩy, để xảy ra tình trạng quyền anh, quyền tôi. Theo thống kê năm 2023, chỉ có 5-6% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng tôi cho rằng con số này chưa phản ánh khách quan chất lượng thực thi công vụ.
Tại những vị trí phải làm việc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan vẫn còn phổ biến, dù đã có hệ thống hỗ trợ. Sự phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều bất cập. Nguyên nhân không chỉ do quy định mà còn do thái độ làm việc của một số cá nhân. Bên cạnh đó, năng lực, sở trường cán bộ chưa được đánh giá thực chất, một số nơi sắp xếp chưa đúng người, chưa hiểu việc, chưa tròn vai, chưa rõ bài.
Trong những năm qua, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Nội vụ nỗ lực để cải cách, có nhiều chính sách thu hút nhân tài, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống nhà nước, song chưa đủ mạnh và đột phá. Thu hút được người tài rồi nhưng không có chế độ, chính sách đặc thù cũng không thể giữ chân họ.
Chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm đã được ban hành nhưng chưa đủ để cán bộ có thể yên tâm cống hiến và dám đột phá vì lợi ích chung. Người dân được phép làm những điều pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, công chức, đảng viên không thể áp dụng như vậy. Họ không dám và không thể “vận dụng” để làm những điều luật không quy định.
Sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trì trệ công việc cũng là biểu hiện của sự vênh nhau giữa thể chế về chính sách và thể chế về con người.
– Theo ông, một thể chế tốt, đội ngũ cán bộ có năng lực và sự phát triển bền vững của đất nước có mối quan hệ như thế nào?
– Tôi cho rằng thể chế tốt là nền tảng, đội ngũ cán bộ có năng lực là động lực, và sự phát triển bền vững là mục tiêu. Một thể chế tốt, bao gồm các luật pháp, quy định, cơ chế, chính sách minh bạch, công bằng và hiệu quả, sẽ tạo ra một môi trường ổn định và khuyến khích phát triển. Nó là khung sườn để các hoạt động xã hội, kinh tế diễn ra có trật tự và hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ có năng lực, sáng tạo, tận tâm là những người trực tiếp thực hiện các chính sách, vận hành bộ máy nhà nước và phục vụ nhân dân. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các mục tiêu phát triển của đất nước. Sự phát triển bền vững là quá trình phát triển kinh tế xã hội mà không làm tổn hại đến môi trường và đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.
Trong bài viết “Tinh- Gọn- Mạnh- Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện, nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Trung ương giữ vai trò kiến tạo, kiểm tra, giám sát, cải cách thủ tục hành chính; tinh gọn tổ chức bộ máy và đổi mới chế độ công vụ với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tôi cũng cho rằng đây là những vấn đề cốt lõi của thể chế cần được khẩn trương tháo gỡ để xử lý “điểm nghẽn” của các điểm nghẽn.
Để thúc đẩy phát triển bền vững, việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là cấp thiết. Cần loại bỏ tình trạng “lợi ích nhóm” và “lợi ích ngành”, xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng, phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, tổ chức bộ máy nhà nước cần được tinh gọn, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo.
Cơ cấu tổ chức Chính phủ cần được thiết kế lại theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu quản trị quốc gia và chuyển đổi số. Việc sáp nhập cơ học các bộ hiện tại là chưa phù hợp, thay vào đó, cần xây dựng một cơ cấu mới, rõ ràng phân công trách nhiệm, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, hoàn thiện nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ.
Mỗi công việc nên giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính, đồng thời thống nhất mô hình chính quyền các cấp và đẩy mạnh phân quyền cho địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Việc chuyển đổi số sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.”
Khi bộ máy được thiết kế và làm mới theo nguyên lý tinh gọn hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, sẽ tạo ra cơ hội và yêu cầu để làm một “cuộc cách mạng” về chế độ công vụ, công chức. Cần có tư duy mới, để mạnh mẽ và kiên định thực sự chuyển chế độ công vụ chức nghiệp sang chế độ công vụ việc làm. Đó là xu thế của thời đại.
– Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước: hoàn thiện thể chế hay nâng cao năng lực con người?
– Thể chế là một hệ thống phức hợp gồm ba yếu tố tương tác chặt chẽ: pháp luật, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Trong đó, con người đóng vai trò trung tâm, là chủ thể tạo ra và thực thi pháp luật, vận hành bộ máy nhà nước. Pháp luật là nền tảng pháp lý, định hướng cho mọi hoạt động của xã hội. Tổ chức bộ máy lại là công cụ để thực hiện pháp luật.
Một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động, gây ra nhiều bất cập và kìm hãm sự phát triển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc mà còn làm giảm động lực làm việc của cán bộ, công chức.
Để khắc phục tình trạng trên và tránh tranh luận nhiều về “con gà và quả trứng”, chúng ta cần có một cuộc cải cách toàn diện, đồng bộ cả ba yếu tố của thể chế. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, tinh gọn bộ máy nhà nước và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là những nhiệm vụ cấp bách. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chúng ta mới có thể tháo gỡ những nút thắt, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên việc thiếu triết lý về tổ chức nhất quán là nguyên nhân gây ra tình trạng bộ máy hành chính thay đổi liên tục, nhập rồi tách. Giải pháp là cần xây dựng một triết lý về tổ chức bộ máy chuẩn, đóng vai trò như nền tảng cơ bản và lâu dài, từ đó định hình các cơ quan, đơn vị theo cấu trúc rõ ràng, ổn định hơn. Điều này sẽ giúp bộ máy tránh được tình trạng nhập – tách thường xuyên, đảm bảo hoạt động hiệu quả và đồng nhất.
– Ông có đề xuất cụ thể nào về việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích đổi mới, sáng tạo?
– Để xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước, cần có những giải pháp đồng bộ. Trước hết cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, bồi dưỡng cả về lý thuyết và thực tiễn, đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề; xây dựng hệ thống đánh giá, thăng tiến minh bạch, công bằng, tạo động lực cho cán bộ, công chức không ngừng học hỏi và nâng cao năng lực.
Song song đó, cần xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý, gắn liền với hiệu quả công việc và năng lực của từng cá nhân. Việc tăng 30% mức lương cơ sở vừa qua là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên, hệ thống tiền lương trong khu vực công vẫn còn nhiều bất cập. Mức lương hiện nay chưa phản ánh đầy đủ sự khác biệt về năng lực, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Để thu hút và giữ chân nhân tài, cần xây dựng một cơ chế tiền lương linh hoạt, minh bạch.
Lương phải đi đôi với hiệu quả làm việc của từng cá nhân và đơn vị. Những người có năng lực cao, đóng góp nhiều hơn sẽ được hưởng mức lương xứng đáng. Mức lương cũng cần phân hóa mức lương rõ giữa các vị trí công việc khác nhau, giữa những người làm việc hiệu quả và những người làm việc kém hiệu quả.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức thu nhập, bên cạnh lương cơ bản cần có các khoản phụ cấp, thưởng để khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao năng suất lao động. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, bảo vệ những người dám dấn thân, sáng tạo để tạo động lực làm việc.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/pho-chu-tich-quang-tri-con-nguoi-la-diem-nghen-cua-the-che-4813251.html