Quốc hội đồng ý “hồi sinh” dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng”

Chiều 29-11, tại kỳ họp thứ 8, có 444/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Quốc hội đồng ý "hồi sinh" dự án BT "đổi đất lấy hạ tầng"- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật tại kỳ họp thứ 8. Ảnh: Hồ Long

Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi, bổ sung này tại Luật PPP là đã cho phép “hồi sinh” hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao). Trước đó, tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2021, đã bỏ hình thức hợp đồng BT.

  • Hà Nội muốn “hồi sinh” hàng chục dự án BT đổi đất lấy hạ tầng

  • Thanh tra Chính phủ kết luận về sai phạm ở 6 dự án BT sân bay Nha Trang cũ

  • Ngày 25-6, công bố kết luận thanh tra các dự án BT sân bay Nha Trang

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung này trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hiện nay hợp đồng BT đã được thí điểm với quy định khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án và phương thức thanh toán, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng. Do đó, chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT tại luật.

Để tạo cơ sở pháp lý triển khai cơ chế hợp đồng BT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức.

Cụ thể, nhà đầu tư BT được thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.

Đồng thời, quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành; quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán chi phí bồi thường và cho phép các bên thỏa thuận, thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán chi phí này. Luật cũng cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tối đa 70% cho dự án đủ điều kiện.

Luật cũng quy định dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ dự án thuộc trường hợp sau đây: Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật; Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh…

Cũng theo quy định của Luật này, dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên do Bộ, cơ quan trung ương quản lý; dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công đối với quỹ đất, tài sản công thuộc trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỉ đồng trở lên.

Luật này có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/quoc-hoi-dong-y-hoi-sinh-du-an-bt-doi-dat-lay-ha-tang-196241129133007609.htm