Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 9 Chương, 95 Điều, quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đối với di sản văn hóa.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Luật nêu rõ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc; bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử – văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng…
Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ.
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Chiếm đoạt di sản văn hóa; làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích, nội dung và giá trị của di tích, di sản tư liệu; phổ biến, thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể; xâm hại, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa và cảnh quan văn hóa của di tích.
Các hành vi khác cũng bị cấm, gồm: Khai thác, sử dụng di sản văn hóa làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc; công nhận, trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa trái quy định của pháp luật; mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp; lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-quy-dinh-nhieu-hanh-vi-bi-cam-196241123160001335.htm