Khi được phát hiện vào ba năm trước, sỏi kích thước khoảng 2 cm, không có triệu chứng nên bà Yến không điều trị. Gần đây, bà thường xuyên đau râm ran, ê ở hông lưng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 26/12, thạc sĩ, bác sĩ Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, cho biết khối sỏi san hô nhiều nhánh choán gần hết đài bể thận, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng đường tiểu – biến chứng thường đi kèm sỏi san hô.
Bác sĩ điều trị cho bà Yến bằng kháng sinh trong một tuần để hết nhiễm trùng, sau đó tán sỏi qua da. Theo bác sĩ Duy, đây là phương pháp điều trị sỏi san hô, nhất là khối sỏi lớn, hiệu quả cao, an toàn, ít xâm lấn, ít đau và hạn chế biến chứng, người bệnh nhanh phục hồi.
Bác sĩ tạo một đường hầm rất nhỏ từ bên ngoài da tại vùng lưng, đưa thiết bị tán sỏi dạng sợi dây kích thước khoảng 1 mm vào trong để tiếp cận sỏi. Do khối sỏi của bà Yến quá lớn, một số nhánh nằm ở các ngóc ngách trong đài thận khó tiếp cận, bác sĩ dự kiến cần hai lần tán sỏi mới sạch hoàn toàn, cách nhau một tháng. Tuy nhiên, ca tán sỏi qua da diễn ra thuận lợi do khối sỏi san hô lớn nhưng không quá cứng. Sau khoảng một giờ, êkíp loại bỏ hoàn toàn khối sỏi.
Gần một ngày sau, bà Yến phục hồi, ít đau, có thể ăn uống và đi lại bình thường, xuất viện ngày tiếp theo. Bác sĩ Duy khuyên bà uống nhiều nước lọc hơn, khoảng hai lít mỗi ngày (so với khoảng một lít mỗi ngày trước đây) để hạn chế nguy cơ tái phát sỏi.
Sỏi san hô là dạng sỏi tiết niệu chỉ hình thành trong thận, có thể phát triển khắp bể thận, len lỏi vào các đài thận, hình dạng phân nhiều nhánh đặc trưng. Sỏi thường hình thành, phát triển nhanh trong môi trường có nhiễm trùng tiểu nên còn được gọi là sỏi nhiễm trùng – dạng sỏi nguy hiểm nhất. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, sỏi này có thể gây viêm đài bể thận, sinh mủ trong thận phải cắt thận, gây suy giảm chức năng thận, thậm chí nhiễm khuẩn máu đe dọa tính mạng người bệnh.
Sỏi san hô phát triển âm thầm, không có triệu chứng. Một số người bệnh có thể gặp tình trạng tiểu máu, tăng tần suất đi tiểu, tiểu rắt, nước tiểu đục, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt, ớt lạnh… Bác sĩ Duy khuyến cáo người có những dấu hiệu trên cần sớm đến bệnh viện khám, xác định chính xác nguyên nhân để điều trị phù hợp, kịp thời. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện sỏi ngay khi còn nhỏ, có thể điều trị bằng thuốc hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
Bác sĩ Duy lưu ý sỏi san hô dễ tái phát dù đã điều trị sạch. Người bệnh cần có các biện pháp dự phòng như uống đủ nước mỗi ngày (tối thiểu 2-2,5 lít mỗi ngày), giảm muối, giảm đạm động vật, thực phẩm giàu oxalat (chocolate, rau chân vịt, củ cải đường…), hạn chế bia rượu và nước uống sủi bọt, nên bổ sung đủ canxi.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/sach-soi-than-sau-mot-lan-tan-4832252.html